
Ông tên là Đặng Thành Thông, ở phường Tân Quý, quận Tân Phú (TPHCM) nhưng hàng xóm gọi ông là “Thông vay” bởi “thành tích” vay nợ. Ông vay khắp xóm, nhiều năm liền, nợ cả vốn lẫn lãi lên đến tiền tỷ, chỉ để… nuôi con ăn học!
“Chúa chổm” thời hiện đại

Nợ đã trả xong, 2/3 đứa con đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định tại TPHCM, ông Thông càng tích cực với công việc tổ trưởng khu phố.
Ông Đặng Thành Thông làm công nhân bán thời vụ ở một xí nghiệp đời sống (quận Tân Bình), vợ buôn bán vặt. Thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ đủ lo bữa ăn hàng ngày cho năm miệng ăn - hai vợ chồng và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Từ khi hai đứa lớn Đặng Thành Thái và Đặng Ngọc Huyền bước vào cấp 2, đứa út vào lớp 3, ông Đặng Thành Thông khuyến khích các con học thêm, học ngoại ngữ, vi tính… và mời thầy về dạy kèm với quyết tâm “bằng giá nào cũng cho con học đến nơi đến chốn”. Nhưng để có tiền đóng học phí và mời thầy, vợ chồng ông bắt đầu phải… vay nợ. Vay của bà con lối xóm, vay anh em họ hàng, vay theo diện gia đình xóa đói giảm nghèo chưa trả kịp thì ông lại tìm đến gõ cửa Ngân hàng chính sách…
Cứ vay chỗ nọ đập chỗ kia, trả rồi vay lại. Vì vậy ông được gắn luôn cho cái tên “Thông vay”. Ban đầu, không hiểu được mục đích vay nợ của ông, nhiều người nghi ngờ. Có người đòi kiện ông ra tòa vì vay tiền rồi khất hoài mà không thấy trả, sợ ông “xù”. Khi biết được mục đích, thì người ta góp ý: Cho chúng học ở trường là được rồi, cần gì học thêm nhiều, tốn kém, lại thêm nợ nần. Có người dè bỉu “nghèo mà chơi sang…”.
Nhưng ông Thông chỉ tự an ủi: “Nợ thì mòn, con thì lớn, lo gì!”… Thấy con đi học xa, vất vả, sợ không an toàn vì tai nạn giao thông, ông Thông lại vay nợ mua xe gắn máy đưa đón con đi học. Có những ngày, ông làm tới ba “cuốc” đi về, vì con học thêm cả buổi tối.
Vốn sức khỏe yếu, lại lo nghĩ nhiều nên vợ ông ngã bệnh, nằm liệt giường. Gánh nặng đè lên đôi vai người đàn ông có dáng vẻ nhỏ sắt, chai sạn vì nắng gió ấy. Ông lại chạy vạy vay mượn để vừa chăm lo cho vợ, vừa tiếp tục nuôi các con ăn học. Không ít lần, thấy mẹ đau ốm hoài, nợ nần gia đình ngày càng nhiều thêm, anh em Huyền đòi bỏ học đi làm giúp đỡ bố. Nhưng vợ chồng ông Thông gạt phắt, vừa động viên vừa la rầy để con có quyết tâm và dành thời gian cho học tập.
Những năm cuối đại học của Thái và Huyền, chi phí càng tốn kém, cộng thêm tiền thuốc thang của vợ khiến số nợ gia đình ngày càng lớn. Lãi mẹ đẻ lãi con. Trong nhà chẳng còn gì giá trị, lại không còn chỗ nào có thể vay thêm được… Suy nghĩ căng thẳng khiến đôi lúc ông Thông đờ đẫn như người mất hồn. Và rồi, ông quyết định: bán nhà!
Ông Thông nhớ lại: “Lúc ấy tôi dường như bế tắc. Đi đến quyết định bán ngôi nhà gắn bó với mình từ những ngày đầu khó khăn nhất, đó là điều không dễ chút nào. Nhìn đôi mắt buồn buồn của vợ và các con, tôi càng đau lòng, đắn đo. Nhưng tôi buộc phải làm vì không còn cách nào khác. Các con tôi phải học thành tài…”.
Niềm vui lớn
Khi nhắc đến ông Thông, không ít người hàng xóm tỏ ra khâm phục: “Ông vốn hiền lành chất phác, thế mà có quyết định thật táo bạo. Dám vay nợ lãi đến mức phải bán nhà trả nợ, chỉ để… nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Đó là việc làm mà nhiều người khá giả hơn, chưa chắc đã làm được”. Ông tâm sự: “Đời mình khổ nhiều rồi, ráng thêm chút cho con học hành đàng hoàng để vừa giúp ích cho xã hội, vừa có cuộc sống tốt hơn cho bản thân”.
Còn bà Thông thì đơn giản hơn: “Mình đâu dám hy vọng chúng nó làm ông nọ bà kia. Chỉ mong sao kiếm lấy cái chữ cho sáng đầu óc, có chữ thì có đức và làm gì cũng nhanh”.
Gặp vợ chồng ông tại chỗ ở mới trong hẻm Tân Hương, phường Tân Quý, căn nhà tuy nhỏ hơn, chật hơn ngôi nhà cũ nhưng tràn ngập niềm vui: Không phụ lòng cha mẹ, con trai đầu Đặng Thành Thái - học sinh khá giỏi của Trường THCS Năng khiếu Nguyễn Gia Thiều và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã tốt nghiệp Đại học KHXH-NV TPHCM và hiện đang là Phó phòng Kinh doanh của Công ty Khải Huy ở quận 7. Cô con gái Đặng Ngọc Huyền cũng đã tốt nghiệp Đại học Công nghệ Thông tin và hiện đang là phó phòng kinh doanh của một công ty TNHH. Cậu út Đặng Thái Bình đang học lớp 11, tuy không học trường chuyên như anh Hai nhưng cũng luôn đạt thành tích cao, là học sinh ngoan, giỏi của trường.
Quãng ngày nghèo khó và công nợ ngập đầu đã qua. Bây giờ, hàng ngày ngoài việc đưa đón cậu út đi học, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội (25 năm là ban điều hành khu phố, 30 năm tổ trưởng tổ dân phố). Nói chuyện cuộc đời mình với chúng tôi, ông luôn tâm đắc với câu ngạn ngữ: “Của đầy non không bằng cho con ba chữ”!
Thanh Hợp