Phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 9-6-2014, tại TPHCM, 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Dinh dưỡng NutiFood và Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã ký kết hợp tác dự án chăn nuôi bò (ảnh). Đây là lần đầu tiên 3 đại gia của Việt Nam cùng bắt tay nhau đầu tư vào nông nghiệp. SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch về mô hình ký kết này.

* Ông nhận xét gì về sự kiện 3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood và VISSAN ký kết hợp tác dự án chăn nuôi bò?

- Theo tôi, mô hình kết hợp để nuôi bò, chế biến thịt, sữa là một mô hình phát triển đúng hướng để khai thác tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam. Trong giới chuyên gia, chúng tôi coi đó là việc xây dựng những cứ điểm để sản xuất nông - công nghiệp. Vấn đề này trong nhiều hội thảo liên quan nông nghiệp tôi cũng đã đề xuất và gần đây tôi có tìm hiểu một số mô hình tổ chức sản xuất phù hợp để có thể đưa khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, ví dụ mô hình Sữa TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An; rồi mô hình Hoàng Anh Gia Lai thực hiện ở Lào...

Thực tiễn đã trả lời rằng với lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam, nếu thay đổi phương thức sản xuất, đưa được KHCN vào thì hoàn toàn chúng ta sẽ đạt được năng suất cao và khả năng cạnh tranh, không phải nhập nguyên liệu. Không có lý do gì mà Việt Nam trồng ngô, trồng lúa lại kém năng suất so với các quốc gia khác. Vấn đề của ta là cách tổ chức sản xuất không đưa được KHCN vào. Thứ hai là thiếu sự liên kết trong sản xuất và chế biến, khiến không tạo được giá trị gia tăng của nông sản.

Vì vậy, tôi cho rằng sự kiện ký kết giữa 3 doanh nghiệp này là một tín hiệu đáng mừng để tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Do đó, về quan điểm cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng với tư cách một Đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị từ mô hình này Chính phủ nên trình Quốc hội nghiên cứu để ban hành một số chính sách để thúc đẩy mô hình này.

* Cụ thể là chính sách gì, thưa ông?

- Từ kỳ họp Quốc hội năm 2013, khi bàn về luật thuế tôi đã có đề nghị những doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nói chung là toàn bộ sản phẩm nông - công nghiệp, kể cả thủy hải sản, nếu dùng 100% nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng chính sách thuế thu nhập ưu đãi. Ví dụ, bình thường doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập 22% thì với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp từ nguyên liệu trong nước chỉ phải nộp 15-17%. Tôi đề nghị nhưng chưa được chấp nhận. Lần này, từ mô hình này, tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục tín hiệu như vậy để thúc đẩy doanh nghiệp.

Từ mô hình này, chúng ta cũng cần nghĩ đến cơ chế tín dụng tương đối an toàn và có tính mạnh dạn ưu đãi để thúc đẩy. Nghĩa là phải thể hiện được chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình này thực sự thành công hay không liên quan nhiều đến chính sách đất đai. Vấn đề là chúng ta có mạnh dạn giao đất cho các doanh nghiệp như vậy hay là đi chia nhỏ cho nông dân. Đó là một vấn đề cần tính lại. Như mô hình Sữa TH ở Nghệ An, nếu tỉnh Nghệ An không mạnh dạn giao đất nông trường cho công ty bò sữa này mà đi chia cho nông trường viên thì rõ ràng mô hình này không thể thực hiện được. Tôi xin nhấn mạnh, hiện nay, nguyên nhân chúng ta không đưa KHCN vào nông nghiệp được là do gốc vấn đề là phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang bị cản trở.

* Theo ông phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang bị cản trở ra sao?

- Gốc vấn đề là do phương thức tổ chức của chúng ta có vấn đề. Tôi lấy ví dụ thế này, những nơi thực hiện cánh đồng mẫu lớn thì họ đưa KHCN vào được. Sản xuất phải có quy mô thì mới đưa KHCN vào được. Còn nếu vẫn giữ quan điểm người cày có ruộng thì không bao giờ đưa KHCN vào được. Nhiều người cứ khăng khăng quan điểm người nông dân phải làm chủ mảnh ruộng của mình. Nếu làm thuê mà thu nhập tốt hơn, đời sống tốt thì vẫn hơn làm chủ trên mấy sào ruộng mà thu nhập không đủ sống. Chúng ta phải nhìn vấn đề như vậy thì mới phát triển được. Tại sao cứ phân biệt vấn đề làm thuê và làm chủ như vậy?

* Từ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi của 3 doanh nghiệp trên, nhà nước cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?

- Có mấy vấn đề thôi. Thứ nhất, chính sách thuế phải tính lại để khuyến khích sản xuất từ nguyên liệu nội địa. Thứ hai, chính sách tín dụng phải đầu tư trung - dài hạn cho mô hình này. Thứ ba, chính sách về đất đai. Cuối cùng là nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các kênh quốc gia. Nhà nước phải thể hiện vai trò trong việc hỗ trợ đưa sản phẩm của doanh nghiệp ra thế giới. Cùng với đó, tạo dư luận thông qua truyền thông để ủng hộ sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Tất nhiên, cần phải hết sức tránh những thông tin cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp như từng xảy ra.

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục