Phải tập trung mọi nguồn lực và trí tuệ

Đồng Nai: Tỉnh đầu tiên có 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới
Phải tập trung mọi nguồn lực và trí tuệ

Ông Hồ Xuân Hùng, Cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương - Chương trình Xây dựng Nông thôn mới:

Phải tập trung mọi nguồn lực và trí tuệ ảnh 1

Năm 2014 sắp kết thúc, cũng là thời điểm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) chuẩn bị bước sang năm thứ 5 với những chuyển biến mạnh mẽ. Tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rất nhanh. Chỉ trong 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9-2014, có thêm 327 xã đạt chuẩn, dự kiến đến cuối năm 2014 có đến 785 xã đạt chuẩn. Trước thực tế này, dự báo đến cuối năm 2015, sẽ có đến 17% số xã đạt chuẩn. Những con số trên có được nhờ đâu? Làm gì để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM? Chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng (ảnh), Cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Xây dựng NTM, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

- Thưa ông, là người đã theo sát Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ khi ra đời đến nay, ông đánh giá thế nào về chương trình sau 4 năm thực hiện?

- Trước hết, cần phải đánh giá, những kết quả đạt được là không nhỏ. Đây là chương trình nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị. Thành quả lớn nhất của chương trình là đã tạo thêm lòng tin của dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị. Cũng qua chương trình, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên càng gần dân, sát dân và xem trọng lợi ích của dân hơn. Chương trình cũng là chất xúc tác để doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu hướng về nông thôn nhiều hơn. Về góc độ người dân, dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất được nâng cao qua chương trình này.

- Nhưng theo ông, sự đổi mới trên có song hành cả hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không?

- Có một sự thay đổi lớn, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề. Lớn nhất là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng. Khoảng cách giàu nghèo vẫn còn rất lớn giữa đô thị và nông thôn, 70% số hộ nghèo cả nước nằm ở nông thôn. Nguy cơ của chênh lệch giàu nghèo là dễ tạo xung đột. Điều đáng quan tâm nữa là việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tôi cho rằng, nếu không có giải pháp tích cực, sẽ là mất mát rất lớn cho quốc gia. Về nguồn nhân lực, lao động trẻ ở nông thôn giảm đi rõ rệt, do sức hút của các khu công nghiệp, của đô thị. Vì thế, phải có biện pháp kịp thời, tích cực để giữ chân lao động trẻ lại nông thôn. Môi trường nông thôn đang ở mức báo động đỏ ở cả môi trường sinh hoạt, môi trường sản xuất lẫn môi trường văn hóa. Nếu không có biện pháp căn cơ, từng gia đình không ý thức được thì đây thực sự là nguy cơ…

- Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình NTM hiện nay được đầu tư với nguồn lực không nhỏ, nhưng bị manh mún. Có một nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp lại chưa được khơi thông. Theo ông, nhận xét này có chính xác không?

- Thực tế ở nhiều nơi, doanh nghiệp đã đóng vai trò lớn trong công cuộc cải tạo, xây dựng NTM. Sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức tuyên dương những doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào chương trình. Nhưng nhìn tổng quan, các chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn vẫn chưa thật sự thành công. Doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với nông nghiệp, tỷ trọng FDI đầu tư vào nông nghiệp rất thấp. Trái phiếu Chính phủ dành cho nông nghiệp nông thôn còn thấp, khoảng 10%. Nguồn lực dành cho Chương trình NTM còn phân tán do có đến 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng mừng là Quốc hội đã quyết định đến năm 2016 sẽ giảm xuống còn 2 chương trình, khi đó nguồn lực sẽ tập trung hơn.

- Ban Chỉ đạo đã đề ra các giải pháp nào để giải quyết những vấn đề trên, thưa ông?

- Cuối tháng 12 này, sẽ có một cuộc họp ở quy mô cả nước để đánh giá 4 năm thực hiện, đồng thời đưa ra bàn bạc các giải pháp để thúc đẩy chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và toàn hệ thống chính trị hiểu rõ rằng xây dựng NTM phải là việc cả nước cùng làm. Không chỉ tập trung mọi nguồn lực mà còn phải tập trung trí tuệ. Về cơ chế, phải phân định rõ hơn đâu là việc dân làm, đâu là việc do Nhà nước các cấp làm, việc nào do dân và Nhà nước cùng làm, nhằm tránh ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm. Cũng cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính đối với các công trình nhỏ và vừa do dân tự làm và sửa đổi, bổ sung các chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp phải là trung tâm kết nối giữa người dân - tổ hợp tác hay hợp tác xã. Không nên để người nông dân tự sản, tự tiêu như hiện nay. Tổ chức, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Làm thế nào để nhà khoa học được hưởng lợi trên ruộng đồng thì mới hy vọng có nền nông nghiệp công nghệ cao thực sự. Một vấn đề lớn khác cũng cần sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội, đó là việc sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Việc này một mình ngành nông nghiệp không làm được. Các ngành cùng làm nhưng rời rạc thì cũng không thành công. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tôi tin rằng Chương trình NTM sẽ về đến đích như mong muốn.

- Cảm ơn ông.

“Chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc là điều mà tôi lo ngại nhất. Nhiều quốc gia khác đã mắc phải sai lầm khi quá chú trọng phát triển kinh tế mà phần nào quên đi cái cốt lõi. Hiện nay Chính phủ Nhật quy định nhà ở nông thôn phải có khuôn viên, không được quá 2 tầng, phải có mái, thậm chí nhiều nơi họ phục hồi nhà tắm công cộng... Nước ta là nước đang phát triển, cần rút kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước về vấn đề này. Phải quan tâm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, bởi vì nhiều lý do nó đang bị hủy hoại. Làm NTM không phải là phá cái cũ đi để làm lại cái mới. Phải giữ cho được hồn quê, không được lãng phí, đầu tư tùy tiện”.

HƯƠNG - ANH


Đồng Nai: Tỉnh đầu tiên có 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới

Theo thông tin từ Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuẩn bị làm tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM đối với huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai. Đây là kết quả của đợt kiểm tra, thẩm định của Đoàn công tác liên ngành giữa tháng 12 vừa qua. Theo báo cáo, nhìn chung các tiêu chí đạt được ở các xã đều ở mức cao hơn quy định. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

C.Q.

Năm 2014: 785 xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho biết, dự kiến đến hết năm 2014 sẽ có 785 xã đạt chuẩn NTM (8,8%) và bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010. Trong đó có 1.285 xã (chiếm 14,5%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 2.836 xã (32,1%) đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt, hiện không còn xã nào trắng tiêu chí. Được biết, tiêu chí số 1 về quy hoạch NTM là tiêu chí mà các địa phương đạt cao nhất, đã có 96,36% số xã đạt.

L.H.

Đề nghị sửa đổi một số tiêu chí

Sau gần 4 năm thực hiện, nhiều địa phương đã đề nghị Trung ương rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí cho phù hợp tình hình thực tế. Đơn cử, tiêu chí cơ sở vật chất y tế. Nhiều địa phương cho rằng không nên bắt buộc trạm xá xã phải có đủ ở các xã, và không cần thiết phải đảm bảo từ 500m2 trở lên mà chỉ nên quy định diện tích xây dựng. Quy định mỗi trạm xá phải có đủ 10 phòng chức năng, có máy điện tim và máy siêu âm cũng dễ gây lãng phí tại các xã đồng bằng, nhất là khi gần bệnh viện cấp huyện.

N.U.

Tin cùng chuyên mục