Những “chiêu thức” lợi hại nhất

Phần 5: Cú vô lê thuận tay

Danh sách các tay vợt có cú vô lê thuận tay lợi hại nhất

Đâu là những “chiêu thức” - những “miếng đánh” - lợi hại nhất trong thế giới quần vợt kể từ khi môn đấu này chuyển sang hoạt động theo kiểu chuyên nghiệp? Trong lịch sử 39 năm trưởng thành và phát triển của thế giới quần vợt chuyên nghiệp (kể từ năm 1968 đến nay), rất nhiều tay vợt đã tạo dựng được danh tiếng của mình dựa vào những “tuyệt chiêu” lợi hại nhất - và họ đã trở thành những huyền thoại sống mãi cùng thời gian. Vậy thì, chúng ta hãy cùng điểm lại những thứ “vũ khí” mà các tay vợt danh tiếng từng sử dụng để khuynh đảo thế giới, để nhận thức rõ ràng hơn về môn đấu quần vợt vốn khiến hàng triệu người trên khắp thế giới say mê…

Phần 5: Cú vô lê thuận tay ảnh 1
Patty - một trong những người khai sáng ra cú vô lê thuận tay.

Lịch sử của quần vợt thế giới đã chứng kiến rất nhiều cú vô lê trái tay rất lợi hại của nhiều tay vợt danh tiếng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ càng hơn về những cú vô lê thuận tay dữ dội nhất, người ta mới có cảm giác như đang tìm kiếm dòng nước mát trên sa mạc khô cằn. Xét về bản chất, cú vô lê thuận tay là một miếng đánh đầy kỹ thuật, rất khó sử dụng cũng như rất khó tập luyện cho đến “đẳng cấp thượng thừa”.

Trong suốt vài thập kỷ đầu tiên khi quần vợt thế giới mới phát triển, kiểu chơi phòng thủ cuối sân rất khó tồn tại. Các tay vợt thường sử dụng lối chơi công kích trên lưới - với ưu thế bằng các cú vô lê thuận tay hay trái tay. Tiêu biểu cho lối chơi giao bóng - lên lưới - dứt điểm bằng một cú vô lê thuận tay chính là 2 tay vợt đến từ miền Nam California: Jack Kramer và Budge Patty.

Phần 5: Cú vô lê thuận tay ảnh 2

Newcombe - tay vợt sở hữu cú vô lê thuận tay hiểm hóc nhất.

Jack Kramer được xem là một trong những “ông tổ” của lối chơi công kích trên lưới sau các cú giao bóng ép sát đối phương về phía cuối sân - nghĩa là cú đánh kết liễu thông thường của Kramer sẽ là một cú bắt vô lê thuận tay trên lưới đẩy bóng đi ra hai góc xa của sân đấu. Tuy nhiên, cũng rất khó nói Kramer là vượt trội hơn với các cú vô lê thuận tay, khi mà theo một trào lưu chung, các tay vợt khác cũng bắt đầu… bắt trước lối chơi của anh. Trong suốt 7 năm cuối của sự nghiệp, các cú vô lê thuận tay của Kramer dần “hiền từ” đi, đặc biệt là trên mặt sân khiến bóng nảy nhanh.

Một đồng hương của Kramer - Budge Patty (nhà vô địch Wimbledon 1950) - trái lại vẫn còn giữ được các cú vô lê thuận tay trên lưới đầy chết chóc, đầy kỹ thuật ở độ tuổi… 80. Với Patty, cú vô lê thuận tay thậm chí còn đơn giản như là một chiếc chìa khóa để mở toang tình thế một trận đấu, làm thay đổi động lực, xung lực của thế thắng - thua. Cùng với Kramer, Patty được xem như là 2 nhà khai sáng cú vô lê thuận tay đầu tiên trên thế giới.
Gần đây nhất, Tim Henman - cựu vương một thời của quần vợt Anh - từng thi đấu rất nổi bật với miếng đánh này.

Phần 5: Cú vô lê thuận tay ảnh 3
Henman và cú vô lê thuận tay trên lưới.

Cú vô lê thuận tay trên lưới của Henman còn giúp cho anh có thể che đậy những hạn chế trong kỹ năng giao bóng (kém uy lực) hay trả giao bóng (kém độ nhạy bén). Tuy nhiên, khiếm khuyết rõ ràng là rất lớn - thế mạnh duy nhất của Henman đã không thể giúp anh vào đến chung kết một trận chung kết tại một kỳ Grand Slam nào. Như vậy, rõ ràng, cú vô lê thuận tay, xét trên góc độ đánh giá ở một nền quần vợt hiện đại, không phải là một miếng đánh lợi hại nhất.

Theo nhiều chuyên gia, những tay vợt xuất xứ từ Australia luôn sở hữu những cú vô lê thuận tay sở trường. Trong phòng truyền thống của quần vợt Australia, những cái tên như: John Newcombe, Patrick Rafter và Tony Roche đều là những tên tuổi vĩ đại từng khiến cả thế giới phải nghiêng mình nhờ vào những cú vô lê thuận tay cực kỳ lợi hại. Xét về miếng đánh này, có thể nói người Australia cũng cảm thấy tự hào, vì ít nhất họ cũng tìm ra một thứ để vượt hơn người Mỹ, dù bộ đôi người miền Nam California lại là những người khai sáng cho miếng đánh này từ hồi thập niên 50 của thế kỷ 20.

Trong số những tay vợt người Australia, John Newcombe nổi lên như là người có khả năng sử dụng cú vô lê thuận tay lợi hại nhất - thậm chí là lợi hại nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. Động tác thẳng lưng và căng cứng cơ bắp để chộp lấy khoảnh khắc ngàn vàng: một cú vô lê thuận tay sấm sét đã tạo ra phong cách riêng biệt cho Newcombe và biến ông trở thành kiểu mẫu cho xu hướng hay tác phong thi đấu của những “đàn em” Australia tiếp sau như: Rafter, Roche (hiện đang là huấn luyện viên của tay vợt đương kim số 1 Australia - Lleyton Hewitt).

Con đường đưa Newcombe lên lưới để tung ra một cú vô lê thuận tay thường bắt nguồn từ một cú giao bóng sấm sét. Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và tập luyện, Newcombe đã định hình ra những kiểu đánh mới trong các cú thuận tay của mình. Nếu đối phương trả bóng tầm thấp, Newcombe khéo léo di chuyển đến vị trí thuận lợi và tung ra một cú vô lê thuận tay khiến bóng bay là là mặt lưới.

Nếu đối phương trả bóng tầm cao - dường như là một pha bóng dễ dàng cho một cú vô lê, nhưng thường các tay vợt không đạt được hiệu quả cao khi dứt điểm pha bóng này (rất hay dứt điểm… trúng lưới) - Newcombe liền tung ra một cú vô lê chính xác, không một chút thương xót. Cho đến thời điểm này, vẫn không ai vượt qua nổi trình độ dứt điểm trên lưới của Newcombe. 

 Danh sách các tay vợt có cú vô lê thuận tay lợi hại nhất

- Số 1: John Newcombe
-Nam: John Newcombe , Stefan Edberg, John McEnroe, Pat Cash, Tim Henman, Patrick Rafter, Boris Becker, Michael Stich, Jack Kramer, Budge Patty, Lew Hoad, Bill Tilden
-Nữ: Martina Navratilova, Jana Novotna, Natasha Zvereva
-Danh sách các tay vợt nổi danh hiện tại: Roger Federer, Fabrice Santoro (nam), Amelie Mauresmo, Justine Henin, Venus Williams, Ana Ivanovic (nữ)

TIỂU PHI (tổng hợp)

Thông tin liên quan

- Phần 4: Cú trái tay

- Phần 3: Cú thuận tay

Phần 2: Cú trả giao bóng
- Phần 1: Cú giao bóng

Tin cùng chuyên mục