
Hôm nay 20-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 999/TTg-KTTH gửi: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Tổng Công ty 91; Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung công điện nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2005, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, do vậy tình kinh tế xã hội tiếp tục ổn định và đạt kết quả khá trên nhiều mặt.

Lắp ráp xe ô-tô
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế(GDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,6%, thấp nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8,5% và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2005, 6 tháng cuối năm phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng thấp nhất là 9,3%.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng Công ty 91 tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những vấn đề sau:
- Đối với sản xuất công nghiệp, tập trung phát hiện những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình sản xuất ở tất cả các lĩnh vực để có biện pháp khắc phục kịp thời, tạo thông thoáng cả về thủ tục hành chính lẫn nguồn lực nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển; các địa phương cần phân tích làm rõ nguyên nhân và có giải pháp thích hợp để khắc phục tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp Nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp so với năm 2004; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để giảm chi phí sản xuất, trước hết là giảm chi phí điều hành gián tiếp, giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm chi phí bảo quản tồn kho; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đang có khả năng cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ; Chỉ đạo các Tổng công ty: Điện, Thép, Than, Xi măng, Hoá chất; Dầu khí, Giấy.. bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường và thực hiện bình ổn giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với nông nghiệp, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và dịch bệnh gia súc; áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm theo đường tiểu ngạch; kiên quyết thu giữ và tiêu huỷ ngay các loại gia cầm và sản phẩm của gia cầm nhập lậu qua biên giới không qua kiểm dịch, buộc các đối tượng nhập lậu phải chịu mọi kinh phí tiêu huỷ, làm sạch môi trường; triển khai tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm triệt để trên địa bàn do chính quyền địa phương quản lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3832/VPCP-NN ngày 12-7-2005 của Văn phòng Chính phủ.
- Đối với công tác phòng chống lụt bão, các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng, kiểm tra phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn năm 2005; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Về đầu tư xây dựng cơ bản, cần tăng cường các biện pháp chỉ đạo, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc để thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư quan trọng của Nhà nước: khí điện đạm Cà Mau, lọc dầu Dung Quất, thuỷ điện Tuyên Quang, thuỷ điện Sơn La, đồng Sin Quyền, DAP Hải Phòng...
Các Bộ, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc giải phóng mặt bằng xây dựng; tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí trong kế hoạch năm 2005, không kéo dài thời gian thực hiện vốn sang năm sau.
Đối với các dự án đến 30-6-2005 chưa hoàn tất thủ tục đầu tư thì điều chuyển vốn cho các dự án đang thiếu vốn; tập trung cho các dự án quan trọng, cần hoàn thành, các dự án phải đẩy nhanh tiến độ trong năm 2005. Bộ Kế hoạch- Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề nêu trên.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài Chính chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư từ nguồn công trái giáo dục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thủy điện quan trọng giai đoạn 2005-2010.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng biện pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay của quy định về mức cho vay đối với các dự án lớn để áp ứng nhu cầu vốn thực hiện dự án.
- Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát lại các quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình để trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi những nội dung không phù hợp, gây chậm trễ trong xây dựng cơ bản.
- Về thương mại dịch vụ, để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm và giữ mức nhập siêu theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 6 tháng cuối năm phải đạt trên 2,7 tỷ USD là mức rất cao, cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đóng gói sản phẩm sữa Vinamilk
Bộ Thương mại chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu và duy trì nhập siêu ở mức hợp lý, đồng thời có biện pháp rà soát lại kết quả xuất khẩu của những mặt hàng chủ lực, nhất là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2005.
- Các Bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai thực hiện ngay những nội dung làm việc của Chủ tịch nước trong chuyến thăm Trung Quốc và của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Mỹ; khẩn trương đàm phán với các đối tác để sớm kết thúc đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
- Các Bộ, cơ quan có biện pháp cụ thể chỉ đạo đẩy nhanh phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh như du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, xuất khẩu lao động...
- Các Bộ, cơ quan phải thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá cả đối với một số sản phẩm quan trọng. Bộ Tài chính, Bộ Thương mại chủ động theo sát biến động giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước và thế giới, nhất là các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất; phối hợp với các bộ quản lý sản xuất chấn chỉnh hệ thống cung ứng, lưu thông các mặt hàng: phân bón, thép. xi măng, thuốc chữa bệnh; đồng thời tăng cường kiểm tra, phân tích, đánh giá tình hình quản lý chi phí, giá thành của một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá, chống bán phá giá, kiểm soát độc quyền; tăng cường chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài, áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bình ổn thị trường, duy trì và phát triển sản xuất.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện Nghị định về phòng, chống rửa tiền; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương này; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những tác động của việc thực hiện Nghị định này đối với đời sống xã hội.
- Về các vấn đề xã hội, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao nhằm phát triển và đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hoá trong các lĩnh vực.
- Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 tính đến cuối năm 2005, xác định mục tiêu giải pháp cho giai đoạn 2006- 2010.
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005; hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005; phối hợp với các Bộ ngành có liên quan bổ sung, sửa đổi chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo theo chuẩn nghèo mới và xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.
- Bộ Y tế tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển tổng thể mạng lưới khám, chữa bệnh và hệ thống y tế dự phòng; chỉ đạo triển khai chính sách khám, chữa bệnh và chính sách bảo hiểm y tế; khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành chính sách viện phí mới. Chủ động phối hợp, cộng tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ của họ trong việc phòng, chống dịch bệnh, trước hết là dịch cúm gia cầm; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động phát hiện, đề xuất các giải pháp làm sạch mầm bệnh, phòng chống dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây sang người; giải quyết các vấn đề bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc tập thể, vệ sinh an toàn trong sản xuất, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ Đề án về chính sách học phí. Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 23/5/2005 và công văn số 3209/VPCP-CCHC ngày 10/6/2005 của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán Bar, nhà hàng, vũ trường.
- Về an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội, song song với việc tập trung chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế-xã hội, các địa phương cần thường xuyên chú ý thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn. Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo, xử lý cụ thể các vấn đề liên quan đến an ninh ở các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới.
Các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tích cực phòng chống tội phạm, tạo chuyển biến rõ rệt hơn về trật tự, an toàn giao thông.
- Về điều chỉnh danh mục các đề án trong Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2005 của Chính phủ: Chính phủ đã tiến hành kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành và xây dựng Chương trình công tác 6 tháng cuối năm.
Số lượng các đề án còn tồn động và mới nảy sinh rất nhiều. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc rà soát, điều chỉnh lại danh mục các đề án trong Chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Chính phủ theo nguyên tắc: Tập trung vào các công việc trọng tâm để bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kính tế-xã hội theo các mục tiêu kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều chỉnh thời gian trình hoặc đưa ra khỏi Chương trình công tác của Chính phủ các đề án, các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không cấp bách, không đúng những công việc trọng tâm hoặc chưa rõ nội dung; chưa có kế hoạch triển khai; các báo cáo định kỳ, công việc thường xuyên...
Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, cụ thể hóa, điều chỉnh thành Chương trình công tác hàng tháng, quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi ban hành.
- Về cải tiến sự chỉ đạo, điều hành, công việc 6 tháng cuối năm rất nặng nề, để giải quyết công việc nhanh, giảm tồn đọng, Thủ tướng Chính phủ quyết định:
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng giảm tối đa việc nhận lời mời tham dự các hoạt động có tính nghi lễ tại các Bộ, ngành địa phương, dành thời gian chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Chính phủ.
Yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh hạn chế đi công tác nước ngoài, tập trung thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ kinh tế- xã hội; áp dụng các biện pháp thích hợp để đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, tránh hình thức, phô trương, lãng phí.
Hàng tuần, Văn phòng Chính phủ bố trí họp giao ban với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng để trao đổi thông tin và xử lý công việc; không để công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tồn đọng.
Yêu cầu lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương cũng tiến hành giao ban điều hành công việc hàng tuần với nội dung thiết thực, tập trung chỉ đạo công việc trọng tâm, tạo nếp làm việc có hiệu quả, không để tồn đọng việc.
Trong một số công việc cụ thể, Thủ tướng sẽ giao Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc một sộ Bộ trưởng chuyên ngành được Thủ tướng uỷ quyền họp tại trụ sở Chính phủ với các bộ ngành liên quan để thống nhất ý kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; giảm các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng tập trung điều các công việc trọng tâm.
Các Bộ trưởng cần quan tâm hơn đến việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng các đề án, trực tiếp xem xét và ký các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giảm thời gian trình bày báo cáo tại các cuộc họp để có thời gian xử lý được nhiều vấn đề trong mỗi cuộc họp.
Khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác tổ chức bộ máy và cán bộ lãnh đạo ở một số Tổng Công ty lớn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng Công ty.
SGGP Online