
Từ một phần mềm quản lý phòng máy nhỏ do Công ty Đan Thanh phát triển, năm 2005, Công ty VNG đã mua bản quyền phần mềm CSM và đưa tác giả Trần Đình Đức về làm việc. Qua gần 10 năm phát triển, CSM vừa được Bộ TT-TT cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc gia. Thiết thực hơn, CSM giúp chủ phòng máy có thể quản lý từ xa, phân quyền sử dụng, lưu trữ và bảo mật dữ liệu. Chủ phòng máy cũng sẽ dễ dàng quản lý thông tin người dùng, khống chế trang web đen, lưu trữ các web truy nhập trong vòng 30 ngày.

Phần mềm CSM đang được các tiệm kinh doanh internet sử dụng hiệu quả trong quản lý
Nhu cầu cao
Năm 2002 là thời điểm phòng máy internet bùng nổ khi đường truyền internet ADSL lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chính thức xóa sổ đường truyền internet thế hệ thứ qua dây điện thoại với tốc độ truy cập rùa bò. Hình ảnh những phòng internet luôn chật kín người lên mạng để chat, gửi email, chơi game đã tạo nên một hiện tượng, trào lưu giải trí mới thu hút hàng triệu bạn trẻ. Tuy nhiên vào thời điểm đó, việc một người có thể quản lý từ xa một phòng máy chỉ là giấc mơ bởi phần lớn các phần mềm đều là bản bẻ khóa từ nước ngoài, chất lượng phập phù. Cũng vào thời điểm đó, đa phần phòng máy quản lý thủ công bằng cách ghi giấy. Đó là chưa kể vô số các vấn đề phát sinh như quản lý doanh thu, dịch vụ, lợi nhuận, chống virus… khiến các chủ tiệm internet phải đau đầu giải quyết.
Nhận thấy nhu cầu thị trường cần một phần mềm chất lượng tốt, ổn định, năm 2002 anh Trần Đình Đức đã bắt tay ngay vào lập trình CSM với ngôn ngữ Visual C và phòng internet tại nhà chính là nơi thử nghiệm những phiên bản 1.0 đầu tiên. Phiên bản này có gần như đầy đủ các tính năng cơ bản như tính tiền; quản lý hội viên, khách vãng lai với thao tác nhanh. Tiếng lành đồn xa, một vài chủ phòng máy lân cận đã tìm mua phần mềm về dùng thử. Tuy nhiên, CSM vẫn chỉ là một phần mềm quản lý với quy mô triển khai nhỏ lẻ, khác xa rất nhiều so với hiện nay.
Có thể khẳng định, sự kiện VNG mua bản quyền CSM vào năm 2005 đã tạo một bước ngoặt. CSM từ một phần mềm quy mô nhỏ đã phát triển với cấp số nhân qua từng năm. Các phiên bản mới luôn được nghiên cứu, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu người dùng. Đến nay, có thể khẳng định, chất lượng tốt là đòn bẩy quan trọng nhất giúp CSM nhanh chóng được tin dùng. Từ khoảng 100 phòng máy năm 2005, tới nay CSM đã vươn tới 25.000 phòng máy, chiếm 90% tổng số phòng máy trên toàn quốc, tương đương khoảng 550.000 máy trạm.
Quản lý hiệu quả
Trong 6 năm qua, hàng chục tỷ đồng cùng hàng trăm nhân lực đã được VNG đầu tư giúp CSM phát triển rộng khắp toàn quốc. Từ đó, chất lượng phần mềm được nâng cấp, cải tiến nhanh chóng. Đã có hàng chục bản nâng cấp được “ra đời” kể từ khi CSM đến VNG. Hiện nay, CSM đang ở phiên bản 5.0. Nói về phiên bản mới này, anh Đức cho biết: “Chúng tôi đã mất khoảng 1 năm để làm ra phiên bản 5.0. Khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển CSM vẫn là về công nghệ vì đây là phần mềm đòi hỏi phải hiểu biết sâu về hệ thống Windows, về mạng, về lập trình socket và nhiều điều bí hiểm bên dưới hạ tầng cơ sở của nền tảng hệ điều hành Windows…”.
|
Mặc dù là miễn phí, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chủ phòng máy nhưng việc quảng bá CSM thời điểm ban đầu khá nhọc nhằn bởi đơn giản không phải chủ phòng máy nào cũng chịu tạm ngừng kinh doanh để cài CSM. Riêng việc thuyết phục chủ phòng máy làm quen với việc quản lý bằng phần mềm thay vì bằng phương pháp thủ công và chứng minh chất lượng “hàng nội” không thua gì “hàng ngoại” là những khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, đến nay đã khác. “Lúc trước, tôi có sử dụng phần mềm Easy Café bản crack thường bị lỗi kết nối giữa máy chủ và máy con, tính năng bị hạn chế. Từ ngày chuyển sang CSM, tôi thấy yên tâm hơn” - anh Xuân Thông, chủ một tiệm internet tại quận 10, TPHCM, chia sẻ.
Thành công hiện nay của CSM còn cho thấy nó đã mang đến lợi ích cho hơn hàng chục triệu người sử dụng và còn góp phần giúp các cơ quan quản lý và xã hội giảm thiểu những tác động tiêu cực từ internet tới giới trẻ qua việc hỗ trợ thông tin đầy đủ tới cơ quan quản lý.
BÁ TÂN