Về việc hai cụ già phải trèo tường để vào nhà mình ở Hà Nội

Pháp luật có đủ cơ sở để giải quyết lối đi cho nhà ông Tiến

Pháp luật có đủ cơ sở để giải quyết lối đi cho nhà ông Tiến

Chiều 22-9, phóng viên báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ với luật sư Tạ Định, người đã cùng với luật sư Nguyễn Thế Giai đứng ra nhận bảo vệ quyền lợi miễn phí cho gia đình ông Trần Đức Tiến (ở phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - đã hơn 1 năm phải leo thang trèo tường vào nhà mình do không có lối đi). Chúng tôi cũng trao đổi ngắn với ông Trần Đức Tiến.

Pháp luật có đủ cơ sở để giải quyết lối đi cho nhà ông Tiến ảnh 1
Ông Tiến phải bắt thang vượt tường để vào nhà. (Ảnh: Báo TT)

Luật sư Tạ Định: “Qua quan sát và tìm hiểu tình hình, chúng tôi nhận thấy việc xin mở lối đi thẳng ra con đường ngõ ở bên kia bức tường là thuận tiện và hợp lý hơn là đi nhờ qua đất nhà ông Lê Phàn.

Vấn đề chính đặt ra là phải tìm hiểu ngõ đi mà ông Vũ đang nhận là đất được thừa kế của gia đình là đường công cộng hay đường riêng. Nếu là đường công cộng thì gia đình ông Tiến có thể trổ cổng, còn nếu là của tư nhân thì ông Tiến phải thỏa thuận với chủ bất động sản đó...

Gần đây nhất, Văn phòng Luật sư chúng tôi đã được Văn phòng Đăng ký đất và nhà cung cấp từ trích lục Bản đồ thửa đất của gia đình ông Trần Đức Tiến. Theo đó, ngõ đi mà ông Vũ nhận là đất thừa kế của dòng họ mình là con đường công cộng có từ trước năm 1942...”.

Cũng tại cuộc gặp, LS Tạ Định cung cấp thêm cho chúng tôi bản xác nhận của 8 cụ cao niên sống và sinh quán tại ngõ này xác nhận về nguồn gốc đoạn ngõ là ngõ đi lâu đời dẫn vào các số nhà cuối xóm. Đáng lưu ý là xác nhận của ông Lê Kim Tiến, 78 tuổi, người chủ đã bán đất cho ông Lê Phàn và ông Trần Đức Tiến, cũng là người có quan hệ họ hàng với gia đình ông Nguyễn Phong Vũ và nay vẫn sống trong cùng tổ dân phố.

Ông Lê Kim Tiến khẳng định đoạn ngõ này “là ngõ đi chung của xóm có từ lâu đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng gia đình nào. Căn hộ ông Nguyễn Phong Vũ cũng chỉ là một căn hộ đối diện”. Trước khi ông Trần Đức Tiến xây nhà, ông Lê Kim Tiến đã dẫn vợ chông ông Trần Đức Tiến gặp gỡ các gia đình lân cận, trong đó có gia đình ông Nguyễn Phong Vũ. Khi đó, ông Vũ chỉ lưu ý khi mở cổng, ông Tiến không được mở đối diện cổng nhà ông Vũ. Khi ông Tiến xây xong nhà và xây cổng ngõ thì gia đình ông Vũ không cho, buộc ông Tiến và ông Phàn phải đi chung...

Ông Trần Đức Tiến:
“Từ ngày 14-9-2005 đến nay chúng tôi phải đi nhờ, rất cực khổ. Tôi đã 3 lần gửi đơn kiện ông Lê Phàn về hành vi bịt cửa ra Tòa án quận, nhưng đều bị trả lại hồ sơ vì Tòa án cho rằng không có cơ sở thụ lý (!?).

Trong hơn 10 năm kể từ khi về đây mua đất xây nhà, tôi đã nhiều lần đề nghị được mở cửa ra lối đi mà ông Vũ nay đang nhận là đất thừa kế. Thậm chí, tôi đã đề nghị trả 25 triệu đồng để được đi lối đó, nhưng rồi anh em nhà ông Vũ cũng không chịu. Nay có những cơ sở chứng minh rằng ngõ đi ấy không phải là sở hữu riêng của gia đình ông Vũ, tôi đã làm đơn đề nghị được UBND quận xem xét cho chúng tôi được mở cổng để có lối đi, chấm dứt cảnh sống ngặt nghèo của gia đình tôi đã gần 1 năm nay...”.

Báo SGGP sẽ tiếp tục tìm gặp các chuyên gia về pháp luật đất đai cũng như phản ánh các ý kiến nhiều chiều để cung cấp thêm những tư liệu mới nhất về vụ việc này đến bạn đọc. 

ANH PHƯƠNG thực hiện

Thông tin liên quan

Những người hàng xóm nói gì?

Câu chuyện buồn khi không còn tình hàng xóm 

Tin cùng chuyên mục