Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Khuyến khích, nhưng cần thận trọng

Trong khi tín dụng khó đạt mức kỳ vọng thì thị trường vốn giờ đây đang dấy lên một làn sóng mới: phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo ước tính của giới quan sát, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2013 có thể lên tới 34.000 tỷ đồng (gấp đôi năm 2012). Một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 1,7 lần khối lượng dự kiến là 3.000 tỷ đồng khi bắt đầu thăm dò thị trường. PV báo SGGP đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này và nhận định chung là: Nên khuyến khích, nhưng cần thận trọng.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Khuyến khích, nhưng cần thận trọng

Trong khi tín dụng khó đạt mức kỳ vọng thì thị trường vốn giờ đây đang dấy lên một làn sóng mới: phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo ước tính của giới quan sát, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2013 có thể lên tới 34.000 tỷ đồng (gấp đôi năm 2012). Một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 1,7 lần khối lượng dự kiến là 3.000 tỷ đồng khi bắt đầu thăm dò thị trường. PV báo SGGP đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này và nhận định chung là: Nên khuyến khích, nhưng cần thận trọng.

  • TS Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: Hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Vốn chủ sở hữu trong các công trình, dự án của DN Việt Nam, dù là DN nhà nước, hay tư nhân, thường chỉ chiếm 15% - 20%. DN phụ thuộc đến 80% vào các khoản tín dụng của ngân hàng. Cho nên phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế, kể cả các tầng lớp dân cư là xu thế phù hợp trong cơ chế thị trường. Ở nhiều nước, hoạt động này cũng được tiến hành rất mạnh mẽ và cũng là xu thế tất yếu trên thị trường tài chính.

Nhưng trái phiếu khác với cổ phần. Đây là lượng vốn nhà đầu tư (trái chủ) bỏ ra trong một khoảng thời gian xác định rồi thu lại. Người nắm giữ cổ phần sẽ được chia cổ tức nhiều hay ít tùy theo kết quả hoạt động của DN, nhưng các trái chủ thì được hưởng một khoản lợi tức cố định, bất kể DN có kết quả kinh doanh ra sao thì đến hạn vẫn phải trả một khoản lợi tức theo cam kết đã ghi trong trái phiếu. Vậy nên, nếu DN làm ăn thua lỗ, phá sản thì đúng là trái chủ có thể phải chịu rủi ro. Ngược lại, về phía doanh nghiệp, họ không tính toán chính xác thì khoản nợ trái phiếu phải trả khi đến hạn cũng là gánh nặng. Nhưng hệ thống pháp luật liên quan hiện nay còn chưa thật đầy đủ và chặt chẽ, tới đây phải có chế tài điều chỉnh việc này để tránh cho người đầu tư trái phiếu bị thiệt hại. Cụ thể, sẽ phải có các tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động của doanh nghiệp, mức độ rủi ro...

Vừa qua, thực tế là những nhà đầu tư “ôm” vào nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhà nước nhất lại chính là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Pháp luật không cấm ngân hàng mua trái phiếu, nhưng phải tính. Vì ngân hàng là nơi cung cấp tín dụng, nay lại đi mua trái phiếu thì họ cũng sẽ khó mà “đẩy” được tín dụng ra.

  • TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM: Cần nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là hình thức DN huy động vốn trực tiếp mà không thông qua định chế tín dụng. Hình thức này có cái lợi là làm giảm chi phí tín dụng trung gian. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để trái phiếu doanh nghiệp phát huy tác dụng là nó phải có tính thanh khoản; có nghĩa là phải được lưu thông, chuyển nhượng trên thị trường vốn như một loại giấy tờ có giá.

Hiện nay tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chưa cao, thành ra nếu NHTM mua vào mà không có giao dịch thì rõ ràng nó cũng gần như tín dụng của ngân hàng thôi. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì vẫn nên khuyến khích trái phiếu doanh nghiệp, vì hiện nay gần như toàn bộ gánh nặng thu xếp vốn đặt trên vai của NHTM. Đáng lý một phần lớn tín dụng, đặc biệt vốn trung và dài hạn, phải được huy động thông qua thị trường vốn, thông qua các loại cổ phiếu, trái phiếu.

Tôi đã đề nghị từ lâu là phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích bằng thuế để tăng cường huy động vốn, tạo thị trường tài chính phát triển hài hòa với thị trường tiền tệ, chứ như hiện nay là khập khiễng.

Tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp còn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm. Trái phiếu có hai loại, một loại là đảm bảo bằng tài sản của DN, loại khác dựa trên tín chấp, tức là dựa vào mức độ tín nhiệm của DN. Do đó phải có cơ chế làm tăng khả năng đánh giá tín nhiệm của DN; đánh giá độ rủi ro của việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, vì độ rủi ro sẽ quyết định lãi suất. Từ đó xây dựng “luật chơi” phù hợp cho thị trường vốn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại trường hợp DN phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. Phải có sự nhìn nhận khách quan: trong trường hợp một DN nợ chồng chất, nợ xấu mà NHTM lại tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp thì đó là trách nhiệm của NHTM. Nhưng tôi tin các NHTM về căn bản sẽ không thể mạo hiểm như thế.

Vậy thì, điều gì quyết định thành công của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Về phía mình, DN phát hành phải có dự án tốt, có khả năng trả được nợ khi đến hạn. DN phải minh bạch tình hình tài chính, kinh doanh của mình, tốt nhất là niêm yết trên thị trường chứng khoán và loại trừ mọi dích dắc gì đó giữa NHTM với DN. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phải kiểm tra mức độ chấp hành quy định pháp luật của các bên trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

  • TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế TP: Phải có tổ chức định mức đánh giá tín nhiệm

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là hình thức vay nợ mà luật pháp cho phép và DN cũng nên tận dụng. Vấn đề còn lại là người mua. Người mua phải hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp cũng như những quyền lợi của mình trong trường hợp nếu công ty phát hành trái phiếu bị rủi ro, phá sản.

Hơn nữa, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn tiền gửi ngân hàng thường nằm giữa khoảng lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Muốn đưa ra được lãi suất hợp lý nhất, được các bên chấp nhận thì phải có tổ chức định mức đánh giá tín nhiệm. Ở các nước, tổ chức định giá tín nhiệm có thể là tổ chức tư nhân (mà thường là tư nhân), nhưng họ “dám” đánh giá tín nhiệm cả quốc gia; mà uy tín của họ đủ lớn để người mua dựa vào đó để đưa ra quyết định mua. Tín nhiệm càng cao thì lãi suất càng thấp.

  • Chủ tịch HĐQT Vinacomin, ĐBQH Trần Xuân Hòa: Mấu chốt là có dự án cho thấy khả năng sinh lời để trả nợ

Bản chất việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là thay vì phải đi vay nước ngoài thì chúng tôi phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn trong nước. Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là lãi suất vốn vay trong nước đang xuống thấp, chúng tôi tính toán là thay vì phát hành trái phiếu quốc tế thì phát hành trái phiếu trong nước, có lợi hơn. Đồng thời để hoán đổi những khoản trước đây đã vay với lãi suất cao, nay mình trả lại để vay lại rẻ hơn.

Để có thể phát hành trái phiếu thành công, Vinacomin đã phải chuẩn bị nhiều dự án, xác định rất rõ thời gian hoàn vốn và đảm bảo tính khả thi cao. Tôi không cho rằng việc các NHTM nhà nước mua trái phiếu doanh nghiệp với số lượng lớn tạo ra “vòng xoáy quẩn” vốn nhà nước. Mà đấy cũng là cách thực hiện chính sách của Nhà nước về giảm lãi suất cho DN. Ở các nước trong khu vực, DN được vay với lãi suất chỉ 1 chữ số thôi, trong khi DN Việt Nam vẫn phải đi vay với lãi suất 2 chữ số. Nếu tiếp tục giảm được như đề nghị của DN và nhiều vị ĐBQH, cá nhân tôi cho rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ sớm được phục hồi. Nói cách khác, việc phát hành trái phiếu thành công thì trước hết là phải phụ thuộc vào thực lực của DN.

Trong khi đó, phải nói thêm là việc phát hành trái phiếu quốc tế rất khó khăn, trong khi kinh tế thế giới suy giảm; hệ số tín nhiệm của cả nền kinh tế chúng ta nói chung và của từng DN Việt Nam đều bị giảm sút. Sau vụ Vinashin, tín nhiệm tín dụng của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn, đẩy lãi suất của trái phiếu quốc tế lên rất cao. Xin nói thật là chúng tôi trước đây đã từng chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế rồi, nhưng chỉ số tín nhiệm chúng ta lúc đó thấp lắm, cộng thêm sự trì trệ của nền kinh tế nữa, cho nên các DNNN như Vinacomin cũng bị đánh tụt hạng tín nhiệm thành ra lãi suất phải trả rất cao. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước là lựa chọn đúng đắn.

CẨM HÀ thực hiện

Tin cùng chuyên mục