(SGGPO).- Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) nhận định, với vị thế là cơ quan chuyên môn kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện góp ý về công tác của Kiểm toán nhà nước tại phiên họp UBTVQH sáng 24-2
Hoạt động kiểm toán của KTNN đã không ngừng tiến bộ, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước…
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực UBTCNS cho rằng, công tác của KTNN nhiệm kỳ 2011-2015 vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế. Đó là một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với thực tế, còn chồng chéo. Quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm.
Đặc biệt, chất lượng Báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN hàng năm chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo quyết toán NSNN năm 2010 là 69,1%, năm 2011 là 71,6%, năm 2012 là 65%, năm 2013 là 63,1%; sửa đổi, bổ sung thay thế 146/360 văn bản. “Một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán”, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS nêu rõ.
Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhìn nhận: “Kiểm toán là vũ khí tin cậy nhất của Quốc hội để kiểm soát tài chính quốc gia. Nhưng điều đáng tiếc là nhiều kiến nghị của KTNN đã không được thực hiện triệt để, vì thế mà chưa thể an tâm được. Điểm yếu ở đây là sự phối hợp trong giám sát thực hiện kiến nghị hậu kiểm toán làm chưa tốt”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng hoạt động kiểm toán hiện nay chủ yếu mới tập trung vào kiểm toán tuân thủ, chưa chú trọng kiểm toán hoạt động; do đó chưa đưa ra được nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và hiệu quả hoạt động của các đơn vị được kiểm toán.
Bên cạnh đó, việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán còn hạn chế. “Ở các nước, 80-90% vụ việc tham nhũng; vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng được phát hiện là nhờ kiểm toán, song ở ta thì ngược lại, hầu hết là do nội bộ mâu thuẫn, báo chí… phản ánh”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp trăn trở. Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Báo cáo tổng kết cần chỉ ra được tình hình thực hiện kết luận sau kiểm toán như thế nào, các hoạt động của đơn vị sau khi được kiểm toán được chấn chỉnh thế nào… Từ đó mới thấy được hoạt động kiểm toán đã tác động đến quốc kế dân sinh như thế nào”.
|
Anh Phương