Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2015 đạt 24,61 tỷ USD; giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, thiếu các công nghệ bảo quản và đóng gói phù hợp. Việc xuất khẩu hạn chế khiến các mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên thị trường các nước, nhất là những nước phát triển chưa nhiều.
Doanh nghiệp trình diễn thiết bị bảo quản đông lạnh cho nông sản
Thiếu và yếu
Lúa gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam những năm qua, tuy nhiên, ghi nhận từ thị trường lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu những tháng qua vẫn tương đối trầm lắng. Giá lúa duy trì ở mức thấp và ít biến động. Theo đại diện của Tổng Công ty Lương thực miền Nam, nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam ngày càng giảm là do không có thương hiệu, chất lượng thấp với hơn 70% sản lượng gạo phẩm chất thấp, khó “chen chân” vào phân khúc thị trường gạo cao cấp.
Sản phẩm xoài và nhãn của Đồng Tháp được xuất khẩu sang một số thị trường như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Một thị trường mới đang có nhu cầu lớn về sản phẩm xoài, tiêu biểu như Nhật Bản, cũng đang rất “thiện chí” đối với đặc sản của Đồng Tháp. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn ở con số khá hạn chế, chỉ bằng 10% trên tổng sản lượng, bởi ngành nông nghiệp của tỉnh thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết cho khâu sơ chế, đóng gói, chế biến.
Theo ông Nguyễn Duy Đức, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch đối với rau quả hiện rất cao 25% -30%. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch nông sản cũng chưa đồng bộ các khâu và phần lớn cơ giới là phục vụ cho cây lúa, còn với hoa màu, cây ăn trái thì chỉ một số khâu có sự góp mặt của cơ giới. Việc thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp khiến tỷ lệ chế biến thấp dưới 10%.
Chẳng hạn như ở công đoạn làm khô nông sản bằng máy sấy, tại một số tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới đáp ứng 30% diện tích sản xuất. Công nghệ sấy và chất lượng máy sấy cũng còn lạc hậu. Phần lớn máy sấy hoạt động công suất thấp dưới 10 tấn/mẻ, số lượng máy sấy công suất từ 20 tấn/mẻ trở xuống còn hoạt động ít do không có lúa để sấy. Đối với những nông dân trữ lúa chờ giá, việc bảo quản sấy khô chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp truyền thống: hong nắng, gió. Hình thức này vô tình làm tổn thất nghiêm trọng đến chất lượng hạt gạo do sản phẩm dễ bị gãy khi xay xát, không đạt thông số kỹ thuật trong xuất khẩu.
Hiệu quả nhờ Techmart
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nâng cao giá trị của hàng nông sản, Việt Nam cần quan tâm đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chế biến đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả hơn các mặt hàng nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, các địa phương phải sớm hình thành các chợ công nghệ (techmart) nhằm đưa các thiết bị, máy móc đến gần hơn với người nông dân.
TPHCM hiện là địa phương tổ chức khá thường xuyên các hoạt động techmart theo từng nhóm ngành khác nhau. Mới đây nhất, Techmart công nghệ sau thu hoạch đã được Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM tổ chức thành công. Có 73 công nghệ, thiết bị của 29 đơn vị đã tham gia trình diễn. Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN, Sở KH-CN TPHCM, hơn 500 lượt khách đến tham quan, trong đó có 174 giao dịch trực tiếp tại các gian hàng có để lại thông tin liên hệ; một hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ về bảo quản ớt sa tế xuất khẩu được ký kết, bán trực tiếp một máy sấy trị giá 30 triệu đồng ngay tại sự kiện. Cùng với đó, có hơn 20 kết nối được tổ chức gặp gỡ trực tiếp cung - cầu công nghệ. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về thiết bị, máy móc phục vụ chế biến nông sản và họ cần nhiều hoạt động trình diễn công nghệ để dễ dàng lựa chọn.
Tại sự kiện “Kết nối cung - cầu” khu vực Nam bộ diễn ra mới đây, các địa phương cũng đề xuất nên áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung về công nghệ ở tất cả lĩnh vực, đặc biệt là công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, thông qua các sự kiện Techmart, doanh nghiệp hay nông dân có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học, đưa ra các nhu cầu máy móc một cách chính xác và thiết thực hơn.
“Sở KH-CN TPHCM đang xây dựng một chương trình khung để thúc đẩy hoạt động khoa học và đổi mới công nghệ, nhằm tạo động lực phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, thông qua các sự kiện như Techmart công nghệ, các nhà khoa học sẽ có sự tư vấn mạnh mẽ cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời tìm hiểu nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, từ đó có sự liên kết với nhau, hình thành động lực để cùng phát triển”. Ông Nguyễn Kỳ Phùng, |
TƯỜNG HÂN