Phía sau mạch ngầm cải lương lan tỏa

Gìn giữ và bảo tồn bộ môn đờn ca tài tử - cải lương, một vốn quý của di sản văn hóa cha ông để lại, là sứ mệnh không của riêng ai. Hành trình 15 năm bền bỉ khuyến khích phong trào ca hát trong nhân dân, tôn vinh bao bài vọng cổ của Chuông vàng vọng cổ cũng là hành trình đồng hành thầm lặng mà lớn lao của nhiều thế hệ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. 

Ươm mầm tài năng, tiếp lửa đam mê

Theo dòng chảy của thời đại, cải lương có những giai đoạn phát triển rực rỡ và cũng trải qua không ít thăng trầm. Sàn diễn cải lương bị thu hẹp, thiếu lớp trẻ kế thừa, thiếu vắng dần sự quan tâm của công chúng là những thách thức không nhỏ. Đã có lúc người ta lo sợ rằng mai kia nghệ thuật cải lương sẽ mai một. Dẫu vậy, với các nghệ sĩ và nhiều người tâm huyết, họ tin cải lương đã ở trong máu, trong tim của bao người và quan trọng là làm sao để ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu mến, biết ca cải lương, vun đắp lửa đam mê bộ môn này.    

Chuông vàng vọng cổ (CVVC) do Đài Truyền hình TPHCM (HTV) cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) tổ chức suốt 15 năm qua là cuộc thi dành cho bộ môn đờn ca tài tử - cải lương. Hơn cả một cuộc thi, CVVC tạo điều kiện để các thí sinh đoạt giải cao đến với các chương trình sân khấu chuyên nghiệp, theo đuổi đam mê dài lâu.

Phía sau mạch ngầm cải lương lan tỏa ảnh 1 Phía sau mạch ngầm cải lương lan tỏa là sự đồng hành thầm lặng của nhiều cá nhân, đơn vị

Nhìn lại thành quả cuộc thi và diện mạo tươi mới của cải lương TPHCM nói riêng, cải lương miền Nam nói chung hôm nay, người ta không khỏi xúc động. Những Thu Vân, Ngọc Đợi, Võ Minh Lâm, Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Minh Trường, Lê Văn Gàn, Nguyễn Văn Đáng, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Hợp, Huyền Trang, Phương Cẩm Ngọc, Kim Luận, Diễm Ngọc… là bao cái tên nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng, không ít người có danh tiếng, dấu ấn riêng sau khi bước ra từ cái nôi CVVC.

Như nghệ sĩ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Ngọc Đợi đi đâu ca ai cũng thích. Rồi nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi, người có chất giọng vượt trội, được NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn đánh giá cao. Nếu như không có CVVC thì mấy ai biết tới anh, từ tận đất Kiên Giang? Cũng từ CVVC, nhiều nghệ sĩ trở thành lực lượng chủ đạo của sàn diễn chuyên nghiệp, và họ nỗ lực không ngừng, một số nghệ sĩ được Nhà nước ưu ái trao tặng danh hiệu NSƯT như Thu Vân, Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh…

Cuộc thi ban đầu chỉ giới hạn đi tìm giọng ca cải lương Nam bộ, đến nay ở tuổi 15 đã lan rộng ra các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc. 4 vòng bán kết năm nay diễn ra tại Hà Nội, Nha Trang, Long An và TPHCM thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ.

Thầm lặng đồng hành

“Nói đến CVVC là nói đến đặc sản riêng có của bà con Nam bộ mình. Dẫu cải lương có mai một trong làng giải trí như thế nào thì đó vẫn là mạch văn hóa chảy xuyên suốt, như suối nguồn. Điều không thể thay đổi là trong các cuộc giao lưu ở sân khấu hay bên ngoài sân khấu tại TPHCM và toàn miền Nam, chính câu ca đưa người ta đến với nhau, giữ chân nhau vẫn là câu vọng cổ. Việc đồng hành phía sau cuộc thi nhiều ý nghĩa như CVVC là niềm tự hào không thể diễn tả bằng lời”, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT SaigonBank, xúc động khi nói về CVVC. 

Trong suốt chiều dài 15 năm, SaigonBank cùng HTV đã tạo được một cái nôi ươm mầm tài năng, tiếp lửa đam mê cho biết bao nghệ sĩ. Không chỉ ông Vũ Quang Lãm mà nhiều thế hệ lãnh đạo SaigonBank nhận ra mạch nguồn cải lương, nhìn thấy nguồn nhân lực bảo tồn bộ môn này vẫn khá dồi dào, vấn đề ở chỗ cần có sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức, xuyên suốt. Bên cạnh Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức từ năm 1991, thì cuộc thi CVVC cũng góp thêm nguồn động lực, giúp nghệ sĩ từ ngọc thô khắp muôn nơi được mài giũa, định hướng nghệ thuật. Từ đó, xây dựng lực lượng kế thừa với đầy đủ năng lực, tình yêu cải lương góp phần phát huy mạnh mẽ nghệ thuật sân khấu ngày hôm nay. 

Theo ông Vũ Quang Lãm, sau CVVC, nếu chỉ dừng lại ở danh hiệu mà nghệ sĩ không có sân khấu để rèn luyện, được tỏa sáng tiếp thì thật hoài phí. Do đó, đơn vị cùng HTV tiếp tục tạo điều kiện để nghệ sĩ xuất thân từ CVVC xuất hiện trên truyền hình. Chương trình nối dài CVVC là Ngân mãi chuông vàng ra đời sau đó, được đánh giá cao bởi tính nghệ thuật, tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nỗ lực đáng trân trọng của những con người, đơn vị tâm huyết đứng sau.

“Gìn giữ và bảo tồn bộ môn đờn ca tài tử - cải lương là sứ mạng, trọng trách không của riêng ai. Xuất phát từ lòng yêu mến, muốn chung tay cùng TPHCM giữ gìn, phát triển cải lương, chúng tôi thấy tự hào khi CVVC đã làm được một câu chuyện riêng về bảo tồn bộ môn nghệ thuật này”, ông Vũ Quang Lãm bộc bạch.

Với ông Vũ Quang Lãm, năm nào cũng vậy, cứ đến thời gian này khi bà con xôn xao mong chờ CVVC là như thấy trước mắt mạch nguồn cải lương lan tỏa, đáp ứng được lòng mong đợi của bà con mộ điệu khắp nơi. Những câu chuyện nhỏ về người dân mến mộ cải lương quanh mình, khiến ông xúc động. Như có hôm người quen gọi điện nói: “Mãi mới xin được vé xem CVVC đợt này, giờ mẹ già 82 tuổi rồi đi xem, có nguyện vọng được một lần chụp hình với NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn. Có gì anh giúp với được không?”.

Rồi có bữa hai anh bạn lâu lắm rủ uống cà phê chỉ để rỏn rẻn xin vé xem CVVC: “Giờ mẹ già thích coi cải lương mà kỳ này CVVC hay quá nhưng không có vé đi coi trực tiếp. Em giúp anh kiếm cho mẹ cặp vé…”. Những điều nhỏ về lòng mến mộ cải lương nhưng đủ để những người từ lâu nay thầm lặng thêm nhiệt huyết đồng hành CVVC. “Niềm vui của những người phía sau như chúng tôi là thấy người dân mình còn mê coi cải lương như vậy. Cuộc thi nói lớn không hẳn quá lớn, đình đám cũng chưa phải nhưng vẫn có một lượng khán giả trung thành, có được lực lượng kế thừa tiếp nối để mạch nguồn này không bao giờ vơi cạn đi. Đó là đích đến mà chúng tôi mong muốn khi thực hiện chương trình”.

Tin cùng chuyên mục