Phía sau một danh hiệu

Cái ngày Phạm Thành Lương đăng quang danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình năm 2009, thì “cậu nhóc” Nguyễn Quang Hải chỉ mới 12 tuổi, nhìn đàn anh nâng cao danh hiệu qua tivi với sự ngưỡng mộ. 7 năm sau, khi được chơi chung với thần tượng trong màu áo CLB Hà Nội T&T thì Phạm Thành Lương đã lập kỷ lục với 4 danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.

Tiền vệ Nguyễn Quang Hải là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của Quả bóng vàng Việt Nam 2018. Tài năng của tiền vệ 21 tuổi này thì không phải bàn cãi, nhưng với nhiều nhà chuyên môn, việc Quang Hải tỏa sáng rực rỡ ngay từ khi còn trẻ có một phần nhờ được đá chung với những cầu thủ như Phạm Thành Lương tại CLB. Có một đồng đội với sự nghiệp lẫy lừng như vậy, bất kỳ cầu thủ trẻ nào cũng dư thừa lý do để phấn đấu. Xét về tài năng lẫn đạo đức sân cỏ, rõ ràng Quang Hải còn cả một chặng đường dài để có thể vượt qua người đàn anh của mình. Động lực ấy cũng chính là nguồn cảm hứng lớn nhất cho mọi tài năng.

Đấy chính là một trong những giá trị khác biệt của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, danh hiệu cá nhân uy tín nhất của bóng đá Việt Nam do báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và tổ chức 23 năm qua. Nếu bóng đá Việt Nam phải trải qua đến 10 năm gầy dựng mọi thứ để mới có được chức vô địch AFF Cup thứ hai, thì cũng chừng đó năm, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam bền bỉ kể những câu chuyện ý nghĩa để truyền cảm hứng cho những cầu thủ trẻ.

Đó là câu chuyện về Phạm Thành Lương, một cầu thủ nhỏ bé nhưng khiến người khác phải ngước nhìn về lòng yêu nghề, sự tận tụy giúp cho anh có sự ổn định đến kinh ngạc về phong độ. Qua đó, chỉ trong 7 năm (2009-2016), Thành Lương 4 lần đoạt Quả bóng vàng, 1 lần về nhì. Đó là câu chuyện của Nguyễn Anh Đức, người đến tuổi 30 mới lần đầu có mặt trong danh sách tốp 5 đề cử và chiến thắng ở giải thưởng năm 2015, về nhì năm 2017, trở thành một biểu tượng của sự kiên trì, niềm đam mê của một cầu thủ chuyên nghiệp. Đó còn là câu chuyện của Huỳnh Quốc Anh (2012) và Đinh Thanh Trung (2017) tìm cách vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, cống hiến hết mình cho màu cờ sắc áo của CLB để được cộng đồng bóng đá ghi nhận. Họ, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nổi bật hay âm thầm, cũng đã gieo trong lòng những cầu thủ trẻ, những đồng đội tại CLB của mình những giấc mơ gần gũi và chân thật. 

Trong 10 năm qua, bóng đá Việt Nam gặp vô số biến cố, có lúc tưởng chừng là không còn hy vọng vươn lên tốp đầu của khu vực. Thế nhưng, chỉ trong năm 2018, một thế hệ cầu thủ mới bước ra ánh sáng và đem về những chiến công chói lọi. Họ chỉ mới 21-23 tuổi, được đào tạo bài bản, được vun đắp khát khao bởi những nỗ lực thầm lặng của các ông bầu, của những lò đào tạo trẻ, và của những câu chuyện thành công của các đàn anh ở mỗi mùa trao giải Quả bóng vàng Việt Nam. 

Trên thực tế, mỗi năm, các nhà tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng đều phải đối diện với những câu hỏi khó khăn về việc duy trì giải thưởng, đặc biệt là lúc mà các đội tuyển thi đấu không thành công. Nhưng mỗi lần trao giải đâu chỉ là thể hiện trách nhiệm tôn vinh, ghi nhận quyết tâm cống hiến của các cầu thủ, mà cộng đồng bóng đá còn trao gởi niềm hy vọng cho tương lai. Đó là lý do mà giải thưởng dành cho cầu thủ nữ trẻ, hay giải thưởng futsal lần lượt ra đời, như một lời cam kết của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam: Hãy gắng sức và khát khao chiến thắng, sẽ không ai bị lãng quên!

Những “chuyến đò niềm tin” ấy rồi cũng có được thành quả. Để rồi đến lúc, như trong đêm Gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2018 diễn ra vào tối nay, chúng ta có chung một niềm hãnh diện nhìn về tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.

Tin cùng chuyên mục