Thực ra, tên sách “Phía sau trận tuyến” chưa thật khái quát được nội dung cuốn hồi ký của Trung tướng Vũ Cao. Chính xác hơn phải là Giữa trận tuyến. Vì phần lớn 550 trang sách, Trung tướng Vũ Cao thuật lại những trận đánh, chiến dịch quan trọng mà tác giả tham dự, khi với tư cách là người chiến sĩ, lúc là một vị tướng trong Bộ chỉ huy cấp chiến dịch. Có thể nói, trong các cuộc kháng chiến, chống Pháp, đánh Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, Trung tướng Vũ Cao luôn ở những chiến trường trọng điểm.
Cũng như hầu hết hồi ký, hồi ức của tướng lĩnh quân đội ta, Trung tướng Vũ Cao ít kể về thành tích của riêng mình, cho dù họ đã đóng góp không nhỏ cho những chiến công ấy. Với đức tính khiêm nhường, họ chỉ thuật lại những sự kiện mà mình chứng kiến, giọng trần thuật trung tính của từng sự kiện, tưởng như bình thản, đã hàm chứa nhiều tình cảm sâu nặng, đó là tình đồng đội, nghĩa đồng bào, lan tỏa trên từng trang sách.
Trung tướng Vũ Cao cho bạn đọc hiểu thêm về quê hương Xuân Trường, tỉnh Nam Định của ông, một vùng đất văn hiến lâu đời, dòng họ Vũ Đức hiếu học và cả cuộc sống riêng của ông. Vũ Cao xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, bố là chánh tổng, nhưng luôn dạy cho con cái về tinh thần yêu nước, về nỗi nhục của người dân nô lệ. Nhờ vậy, khi được giác ngộ cách mạng, anh thanh niên Vũ Cao hăng hái tham gia và chiến công đầu tiên là trừng trị tên ác ôn trong vùng bằng cách cắt gân chân để nó không còn khả năng gây tội ác với dân lành. Sau đó, Vũ Cao tham gia lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định, đánh giặc, bảo vệ chính quyền non trẻ, giải phóng quê hương mình.
Lồng vào chặng đường đánh giặc ấy, Vũ Cao cho bạn đọc biết về tình cảm riêng của mình. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chàng lính trẻ Vũ Cao gặp gỡ và yêu cô Nhân, một công nhân xưởng công binh Lửa Hồng. Mối tình của người lính cầm súng và cô công nhân thật đẹp, trong sáng, rồi đám cưới đơn sơ nhưng ấm tình quân dân được đơn vị tổ chức.
Chặng đường tiếp theo là sự xa cách, và cả những sự gặp lại ly kỳ, như thời gian anh cùng đơn vị lên chiến khu Việt Bắc, từ Nam Định, chị đã vượt hàng trăm cây số, qua bao nhiêu đồn bốt giặc lên thăm chồng. Rồi một thời gian dài, anh vào chiến trường miền Nam, ở hậu phương chị tần tảo nuôi dạy con trong điều kiện khó khăn về kinh tế, lắm khi còn phải đưa con đi sơ tán. Tình cảm vợ chồng, cho tới hôm nay đã hơn nửa thế kỷ vẫn chung thủy như thuở ban đầu, có lẽ nhờ sự đồng cam cộng khổ trong những năm tháng kháng chiến. Tình yêu đôi vợ chồng này cũng tiêu biểu cho tình cảm chồng vợ của người chiến sĩ trong chiến tranh, đặt nghĩa vụ, quyền lợi đất nước và nhân dân lên trên hết.
Hồi ký của tướng lĩnh quân đội ta xuất hiện mấy năm gần đây thường sử dụng sơ đồ trận đánh, chiến dịch, lịch sử chiến tranh, làm nền như là cái sườn để diễn đạt câu chuyện, nên rất gần với thể loại ký sự lịch sử. “Phía sau trận tuyến”, thuật lại những trận đánh nhỏ lẻ của các đội du kích, bộ đội địa phương thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Định, trên chiến trường Quân khu 3, đến những chiến dịch của bộ đội chủ lực cấp sư đoàn, quân khu, phối hợp với các binh chủng pháo binh, xe tăng ở Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, mặt trận Trị Thiên. “Phía sau trận tuyến” rất giàu tư liệu sống, diễn biến những trận đánh, sự hy sinh quả cảm của những chiến sĩ mà tác giả chứng kiến. Điều đó đã khiến bạn đọc xúc động.
“Phía sau trận tuyến” khép lại ở chương tác giả được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Sư đoàn 341. Dự kiến sẽ xuất bản tập tiếp theo về sư đoàn này tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Gấp cuốn sách này, bạn đọc chờ đợi đón nhận tập kế tiếp với tư liệu quí của những sự kiện lớn mà tác giả từng tham dự.
NGUYỄN QUỐC TRUNG