Có lẽ nhiều thế hệ khán giả Việt Nam nói chung và những người làm điện ảnh nói riêng vẫn nuối tiếc một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam qua những bộ phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn...
Thời ấy, thiết bị công nghệ thiếu, tiền bạc không nhiều, điều kiện làm phim vô cùng khó khăn... thế nhưng những người làm phim khi ấy có thể cho ra đời những tác phẩm điện ảnh đến nay vẫn được xem là kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Và cho đến ngày nay, khi những tác phẩm ấy được chiếu trên truyền hình vẫn thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo khán giả, kể cả lớp trẻ hiện nay.
Từ khi đất nước mở cửa hội nhập, rất nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội đã có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển, các nền văn hóa khác nhau. Những tưởng điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh đi vào lòng người, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thế nhưng xem ra trong quá trình hội nhập giao lưu ấy, điện ảnh Việt Nam chưa học được nhiều từ nền điện ảnh các nước phát triển. Khoảng 20 năm trở lại đây, chưa có tác phẩm điện ảnh, bộ phim nào để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả như những bộ phim được sản xuất từ thời bao cấp.
Nhiều người nói, thời kinh tế thị trường, làm phim cốt để kiếm tiền vì thế cứ làm để có nhiều người xem, có doanh thu cao là tốt. Quan điểm này không sai vì có không ít phim do tư nhân làm khi ra rạp đạt doanh thu cao, người làm phim có lời và cũng có những phim nhà nước đầu tư khá nhiều tiền để rồi chẳng mấy người xem.
Điện ảnh, với nhiều nước đó là ngành kinh doanh béo bở, không chỉ cho ra đời những bộ phim có doanh thu cao mà còn xây dựng nên biết bao tên tuổi diễn viên, đạo diễn... Nhưng dù có đặt mục tiêu là kinh doanh thì điện ảnh vẫn là một bộ môn nghệ thuật.
Những năm gần đây, không ít người Việt quay đầu với điện ảnh trong nước. Lý do đưa ra thì nhiều, nào là nhạt nhẽo, nghèo nàn nội dung, ít tính nghệ thuật, diễn viên thiếu chuyên nghiệp, diễn xuất thô cứng... Dĩ nhiên mỗi người đều có quan điểm và lý do riêng để không mặn với phim Việt.
Công bằng mà nói, thế hệ diễn viên, đạo diễn hiện nay của Việt Nam được học hành bài bản hơn, được tiếp xúc giao lưu, học hỏi với nhiều nền điện ảnh, họ có nhiều điều kiện về tài chính, về công nghệ làm phim hơn các bậc tiền bối trước đây và không ít diễn viên, đạo diễn rất đam mê cống hiến cho điện ảnh nước nhà. Vậy tại sao điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn giẫm chân tại chỗ, nếu không muốn nói kém so với trước.
Điểm lại 10-15 năm trở lại đây, có tác phẩm điện ảnh hay bộ phim truyền hình nào xây dựng được một Nguyễn Thành Luân như bộ phim Ván bài lật ngửa, xây dựng tên tuổi cho diễn viên Trà Giang, Lâm Tới trong Vĩ tuyến17 ngày và đêm, diễn viên Thúy An trong phim Cánh đồng hoang... Thậm có có những phim chỉ vài năm sau khi được công chiếu, khán giả đã không còn nhớ từng có một bộ phim như thế tồn tại.
Câu trả lời xin dành cho những nhà làm phim, các đạo diễn, diễn viên và những người làm công tác quản lý phát triển điện ảnh. Còn khán giả chỉ mong rằng trong tương lai sẽ được thưởng thức những bộ phim, những tác phẩm điện ảnh thật sự, vừa phản ánh thực tế cuộc sống hiện nay, vừa mang tính nghệ thuật. Ước muốn thật giản đơn nhưng không dễ đạt.
Sài Gòn Giải phóng thứ bảy