Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM Trần Anh Tuấn: Việc không thiếu, chỉ sợ yếu nghề

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM Trần Anh Tuấn: Việc không thiếu, chỉ sợ yếu nghề

Nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2015 khoảng 265.000 chỗ làm. Thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM.

* Thưa ông, thị trường lao động trên địa bàn TPHCM sau Tết Ất Mùi 2015 có nhiều biến động? Tình trạng “nhảy việc” sau Tết có xảy ra phổ biến như những năm trước?

- Trong quý 1-2015, nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, nghiên cứu thị trường, thư ký văn phòng, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, giao hàng, nhân viên bảo vệ… với khoảng 60.000 chỗ làm, trong đó lao động phổ thông chiếm 38%. Riêng tháng 3, thị trường lao động TPHCM có khoảng 23.000 chỗ làm. Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong tháng 3 tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến như dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng…

Nhìn chung, do nhu cầu ổn định công việc của người lao động và các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2015 không cao. Dự kiến mức thiếu hụt bình quân khoảng 4%.

* Tính đến thời điểm này, tỷ lệ lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sau Tết như thế nào?

- Theo đánh giá sơ bộ của các doanh nghiệp, tỷ lệ lao động trở lại doanh nghiệp làm việc bình quân 90-95%. Khảo sát tại một số doanh nghiệp có đông công nhân, tỷ lệ lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sau kỳ nghỉ dài chiếm trên 88% và một số công ty hoạt động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao có tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc trên 98%.

* Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo nền kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển, kéo theo đó là nhu cầu nguồn tuyển dụng lao động tăng theo để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ông dự báo thế nào về thị trường lao động TPHCM trong năm 2015?

- Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM trong quý 2-2015 khoảng 65.000 chỗ làm và quý 3-2015 khoảng 70.000 chỗ làm, tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như marketing - kinh doanh - bán hàng, cơ khí, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ ô tô - xe máy, nông  lâm nghiệp - thủy sản, dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa - hóa chất, dịch vụ - phục vụ, điện - điện tử… Quý 4-2015, nhu cầu khoảng 70.000 chỗ làm. Việc tuyển dụng nhân sự chú trọng chất lượng và trình độ tiếp tục là xu hướng của năm 2015. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, bán hàng, nhân viên kinh doanh...

 Theo dự báo của chúng tôi, xu hướng năm 2015 và các năm tới, thị trường lao động tiếp tục tăng nhanh, phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với  các năm trước. Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ. Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2015 khá đa dạng, người lao động không lo thiếu việc mà chỉ sợ yếu tay nghề.

Người lao động cần trang bị tay nghề vững vàng trong thời kỳ hôi nhập ASEAN để không bị đào thải

* Tuy nhiên, thị trường lao động những năm gần đây tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung luôn diễn biến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, biểu hiện vừa thừa, vừa thiếu lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Thành phố cần phải giải quyết bài toán này như thế nào khi ngưỡng cửa hội nhập kinh tế ASEAN 2015 đang đến gần?

- Có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam cần quan tâm nhất là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Theo đó, AEC sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực. Vì vậy, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực so với các nước khác bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, mặt khác lại đặt ra thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả.

Theo tôi, việc chuẩn bị cho quá trình hội nhập AEC vào cuối năm nay phải được những người lao động trẻ tương lai đầu tư ngay từ bây giờ. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người Việt trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo, phát huy sáng kiến và áp dụng cộng nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp... để hình thành một thế hệ thanh niên có tri thức, bản lĩnh,  vững vàng hội nhập.*

Theo kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TPHCM giai đoạn 2015-2020 đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực mỗi năm khoảng  270.000 chỗ làm trống. Trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. Ngoài ra, định hướng phát triển thị trường lao động TPHCM cũng theo 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su. Cùng 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, kinh doanh tài sản - bất động sản, dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai, thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.  Một số nhóm ngành cũng thu hút nhiều lao động như dệt may - giày da - thủ công mỹ nghệ, marketing, dịch vụ - phục vụ, xây dựng - kiến trúc - môi trường.

GIA HUY

Tin cùng chuyên mục