Phòng chống dịch Covid-19 nhìn từ Trung Quốc

Theo China Daily, ngày 27-10, giới chức y tế tại Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) thông báo phát hiện 161 ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng sau khi xét nghiệm cho 4,74 triệu dân tại TP Kashgar.

Đợt xét nghiệm được tiến hành khi phát hiện 1 trường hợp dương tính không triệu chứng tại huyện Shufu thuộc TP Kashgar vào cuối tuần trước. Đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm trên diện rộng là một trong những biện pháp hỗ trợ cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan, tái bùng phát của căn bệnh nguy hiểm này.

Phòng chống dịch Covid-19 nhìn từ Trung Quốc ảnh 1 Kiểm tra mã vạch sức khỏe khi lưu thông trên đường 
Ứng dụng công nghệ 

Dù Chính phủ Trung Quốc chưa công bố dữ liệu chính thức, nhưng khả năng xét nghiệm Covid-19 của nước này được cho là vượt xa nhiều quốc gia khác. Bộ Công nghiệp Trung Quốc từng cho biết, có thể sản xuất khoảng 5 triệu bộ xét nghiệm/ngày. Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất bộ xét nghiệm, nhiều tỉnh, thành tại Trung Quốc công bố danh sách hàng trăm bệnh viện và phòng khám được xét nghiệm Covid-19. Nước này cũng mở rộng khả năng của các phòng thí nghiệm, cho phép người dân nhận kết quả xét nghiệm axit nucleic trong vòng vài giờ. Chính quyền một số địa phương bổ sung việc xét nghiệm Covid-19 vào chương trình bảo hiểm y tế cơ bản. Việc tiếp cận xét nghiệm dễ dàng cho phép các doanh nghiệp, trường học và nhà cung cấp dịch vụ giải trí tái mở cửa sau khi thực hiện xét nghiệm quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nhờ tận dụng mọi nguồn lực và ứng dụng công nghệ hiện đại, Trung Quốc từng bước khống chế được dịch bệnh. Để hỗ trợ cho việc truy vết dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc bắt tay với các hãng công nghệ lớn như Alibaba, Tencent phát triển hệ thống đánh giá sức khỏe bằng màu sắc thông qua mã QR. Ứng dụng được triển khai lần đầu tiên tại Hàng Châu với sự giúp đỡ của Alibaba trước khi mở rộng sang các khu vực khác. Sau khi thông tin được các cơ quan chức năng xác minh, mỗi người dùng sẽ được cấp một mã QR màu đỏ, màu hổ phách hoặc màu xanh lá cây. Trong đó, màu đỏ là phải tự cách ly trong 14 ngày, màu hổ phách là sẽ bị cách ly trong 7 ngày và người có mã màu xanh sẽ có quyền tự do di chuyển trong thành phố.

Khi dịch bùng phát, tại nhiều thành phố của Trung Quốc người dân sẽ không thể rời khỏi các khu dân cư của họ hay đi vào các địa điểm công cộng mà không có ứng dụng này. Một khi ai đó được chẩn đoán là bị nghi nhiễm, các nhà chức trách có thể nhanh chóng tiếp cận người bệnh và xác định những ai đã tiếp xúc với họ. Chỉ 3 tháng sau dịch, phần lớn các chốt chặn và biện pháp cách ly đã dần được gỡ bỏ ở Trung Quốc, nhưng các mã vạch sức khỏe vẫn được duy trì để quản lý cuộc sống của người dân ở đây. Robot cũng là trợ thủ đắc lực trong hoạt động chống dịch.

Trong số đó, có dòng robot có thể hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu trong các tình huống nguy hiểm khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 mà không có quần áo bảo hộ do Đại học Thanh Hoa chế tạo. Robot này gồm một cánh tay di động có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, như: kiểm tra siêu âm và lấy dịch họng bằng bông gạc và lắng nghe âm thanh các cơ quan nội tạng của bệnh nhân bằng ống nghe. 

Trong khi đó, tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, drone (phương tiện bay không người lái) được triển khai để vận chuyển vật tư y tế và mẫu bệnh phẩm. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian, tăng tốc độ chuyển phát, ngăn chặn rủi ro bệnh phẩm bị nhiễm độc. Drone còn có thể được dùng để phun thuốc khử trùng ở nông thôn. Drone cùng công nghệ nhận diện gương mặt sẽ phát đi cảnh báo, yêu cầu người dân ở trong nhà, nhắc nhở nếu họ không đeo khẩu trang. Vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, drone trở nên hữu ích khi vận chuyển các hàng hóa thiết yếu như thuốc, đồ ăn. Apollo, nền tảng xe tự lái của Baidu, đã chung tay với startup Neolix để chuyên chở vật tư, thực phẩm cho bệnh viện lớn ở Bắc Kinh. 

Hệ thống nhận diện gương mặt và đo nhiệt độ hồng ngoại lắp đặt hàng loạt tại nhiều thành phố lớn. Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) như SenseTime, Hanwang Technology đã phát triển công nghệ nhận diện gương mặt đặc biệt, có thể nhận diện chính xác ngay cả khi họ đeo khẩu trang. Ứng dụng smartphone cũng được dùng để theo dõi chuyển động của mọi người và xem họ có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hay không. China Mobile gửi tin nhắn cho mọi cơ quan thông tấn, thông báo về các ca nhiễm bệnh. Tin nhắn còn bao gồm tất cả chi tiết về lịch sử di chuyển của bệnh nhân. Camera an ninh CCTV được lắp tại hầu như mọi nơi để bảo đảm người cách ly không ra khỏi nhà. Ngoài ra, nhờ mô hình dự báo và phân tích dữ liệu của AI, các chuyên gia y tế có thể hiểu được nhiều hơn về dịch bệnh. Baidu cũng phát triển công cụ để quét hiệu quả người  với số lượng lớn. Công ty còn xây dựng hệ thống hồng ngoại AI để phát hiện thay đổi trong thân nhiệt của một người. 

Song song với hoạt động phòng chống dịch, Trung Quốc cũng đẩy nhanh hoạt động bào chế vaccine ngừa Covid-19. Trung Quốc đã khởi động chương trình sử dụng vaccine ngừa Covid-19 khẩn cấp vào tháng 7, cung cấp 3 mũi tiêm thử nghiệm do một đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm và Công ty Công nghệ sinh học Sinovac niêm yết tại Mỹ phát triển. Trung Quốc còn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 miễn phí cho sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài du học do Công ty Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất. Theo Wall Street Journal, hành động này nhằm tăng cường niềm tin của công chúng vào các chế phẩm sản xuất trong nước. Biotech là công ty con phụ trách phát triển 2 loại vaccine ngừa Covid-19 của Sinopharm.

Khôi phục sản xuất, khuyến khích tiêu dùng 

Khi tình hình dịch Covid-19 từng bước được khống chế trên toàn quốc, kinh tế Trung Quốc đã ấn nút khởi động lại sau khi qua cao điểm của dịch từ giữa tháng 3, với hàng loạt các chính sách và biện pháp thúc đẩy kinh tế đi vào khôi phục sản xuất, theo phương châm lấy doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, liên kết hành động từ Trung ương đến địa phương, kết hợp nội ngoại lực. Các ngành chế tạo Trung Quốc thành lập tổ công tác chuyên trách; thúc đẩy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ổn định mặt bằng chung của những khu kinh tế trọng điểm. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa hàng không quốc tế của Trung Quốc, nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng.

Tại các địa phương, chính quyền cho phép hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện như cửa hàng bán buôn, bán lẻ, ăn uống, cửa hàng tiện lợi, dịch vụ vận tải… khôi phục hoạt động kinh doanh. Riêng ở tâm dịch Hồ Bắc, sau khi hạ cấp độ rủi ro dịch bệnh của TP Vũ Hán xuống mức trung bình, tỉnh này cũng khôi phục vận chuyển hành khách đường sắt nội tỉnh từ ngày 8-4, khôi phục có hạn chế các chuyến bay thương mại, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn đạt hơn 95%. Nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm tại TP Vũ Hán đã mở cửa phục vụ người dân mua sắm.

Từ đầu tháng 9, chính quyền Vũ Hán cho mở cửa các trường trung học, tiểu học và mẫu giáo. Học sinh không cần đeo khẩu trang trong trường học nhưng mang theo để đề phòng khi cần sử dụng. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh TP Vũ Hán, các trường học đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, theo đó mỗi trường học sẽ có nhân viên phòng ngừa dịch bệnh riêng và được đào tạo. Ngoài ra, một cơ chế liên lạc 24/24 giờ giữa các trường học và bệnh viện cũng sẽ được thiết lập. Nhà chức trách mở một kênh cấp cứu xanh dành riêng cho học sinh. Là một trung tâm sản xuất, Vũ Hán chứng kiến số lượng giao dịch gia tăng kể từ khi mở cửa trở lại. Giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của thành phố gia tăng trở lại từ tháng 5, xếp thứ 4 cả nước.

Là đất nước với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc luôn được đánh giá là thị trường có quy mô lớn nhất thế giới. 23 bộ ngành của nước này đã công bố một văn bản về việc kích thích tiêu dùng và đẩy nhanh việc hình thành một thị trường trong nước lớn mạnh. 19 chính sách và biện pháp đã được đưa ra nhằm cải thiện môi trường tiêu dùng, phá bỏ những vướng mắc về thể chế và cơ chế, nâng cao chất lượng quản trị trong lĩnh vực tiêu dùng. Việc làm trên nhằm giải tỏa nhu cầu tiêu dùng đang bị kìm hãm và “đóng băng” bởi dịch bệnh, tạo dựng và thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của những loại hình tiêu dùng mới và nâng cấp các hình thức tiêu dùng hiện có. Hiện nay, tiêu dùng trong nước đang đóng góp khoảng 60% vào sự tăng tưởng của kinh tế Trung Quốc, được đánh giá là đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển và là động lực số 1 thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế ở nước này.

Hoạt động du lịch nội địa được khuyến khích. Hơn 45% trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc đã đi du lịch trong dịp tuần lễ vàng kéo dài 8 ngày trong năm nay. Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, các du khách đã chi 466,6 tỷ nhân dân tệ (69,5 tỷ USD) cho 8 ngày nghỉ lễ. Dù doanh thu ít hơn 30% so với năm ngoái, nhưng con số này cho thấy mức chi tiêu cho du lịch đang bắt đầu tăng trở lại sau đại dịch Covid-19.

Công ty tư vấn Capital Economics nhận định, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên quay trở lại con đường tăng trưởng như trước khi đại dịch xảy ra. Điều này là nhờ khả năng ngăn chặn Covid-19 nhanh chóng. Theo kết quả cuộc khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành, trong quý III-2020 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,2% của quý II-2020. Dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 2,2%. Mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021 và 2022 được dự báo lần lượt ở mức 7,8% và 5,4%.

Tin cùng chuyên mục