Hai năm qua, Phú Yên đã đón nhận hàng chục trại sáng tác văn học nghệ thuật có quy mô toàn quốc. Đó là chưa kể những chuyến đi thực tế liên tục của các cá nhân đến vùng đất này. Vì sao Phú Yên có sức cuốn hút văn nghệ sĩ như vậy?
Mới đây, khi đưa gia đình đi du lịch ở Phú Yên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân đã nhờ đồng nghiệp “thổ địa” Lê Ngọc Minh tranh thủ từ lúc 4 giờ sáng chở anh vượt mấy chục cây số chụp cho được cảnh hừng đông danh thắng gành Đá Đĩa. Anh nói với tôi, Phú Yên còn nhiều chất liệu độc đáo mà nhiếp ảnh chưa khai thác hết.
Trước đó, vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định ở Đồng Nai đã cùng chúng tôi về Phú Yên, nhân dịp khánh thành con đường đi vào chùa tổ Long Tường ở vùng bán sơn địa Tây Hòa bằng kinh phí từ thiện. Vốn nổi tiếng về ảnh nude nghệ thuật, Dương Quốc Định lại gây kinh ngạc bằng những tác phẩm phong cảnh độc đáo về Phú Yên, từ chùa chiền đến biển đảo.
Hè năm 2012 vừa qua, nhà văn Di Li từ Hà Nội đã cùng nhiều đồng nghiệp vào Phú Yên dự trại sáng tác văn học do tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức. Đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng đây mới là lần đầu tiên chị đến khám phá đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, tháp Nhạn, cầu Đà Rằng và đặc biệt là Mũi Điện - nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền của Tổ quốc. Không chỉ thắng cảnh thiên nhiên mà Di Li cùng đàn chị - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tỏ ra thích thú với ẩm thực ở đây, nhất là hải sản. Vùng đất này là “cái rốn” đất liền, doi ra xa phía đại dương nên hải sản rất ngon. Từ cảm hứng ấy, Di Li đã có những bút ký rất thú vị về Phú Yên. Chị còn bảo sẽ là người PR đắc lực cho mảnh đất cực Đông này, không chỉ trên trang viết.
Ngược với nhà văn trẻ Di Li là nhà văn lão thành Lê Văn Thảo từ TPHCM. Tôi không rõ tác giả Ông cá hô dành tình cảm cho Phú Yên thắm thiết đến mức nào, chỉ biết trước khi rời khỏi mọi vai trò lãnh đạo làng văn, ông đã cùng một số đồng nghiệp đánh xe thẳng về tắm gió tắm biển Phú Yên, trước khi vòng quanh vài nơi khác ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Những lúc trò chuyện, ông hay kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm thi vị về Phú Yên, trong đó có tình bạn của con trai độc nhất của ông với những bạn học xứ Nẫu.
Trong chuyến về Phú Yên lần ấy với nhà văn Lê Văn Thảo có mặt nhà thơ Trần Hữu Dũng. Đi đến đâu anh cũng có thơ, không chỉ tức cảnh sinh tình mà đầy suy tư sâu lắng. Anh thổ lộ: “Nắng, gió, con người, phong cảnh Phú Yên luôn ẩn tàng vẻ đẹp lung linh, nếu có cơ duyên chúng ta sẽ có lời đáp chân thành, lý thú. Tôi thật mê mẩn trước vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, Mũi Điện… và nhớ lại những trang văn về tuổi thơ ấm áp của nhà văn Võ Hồng, thưởng thức giọng văn cuồn cuộn, lôi cuốn của Ngô Phan Lưu, Phùng Hy”. Và trong số những bài thơ Trần Hữu Dũng viết trong dịp này mà anh tâm đắc nhất là Mùa hè ở Phú Yên, hoàn thành sau một đêm mất ngủ Đồi Thơm, đầy ám ảnh về khói lửa chiến tranh và sứ mệnh người cầm bút, trong đó có đoạn: “Những trận đụng độ điên cuồng/ quay vòng vòng trong trí nhớ. Bom napalm/ đốt trụi cánh rừng./ Mùa hè ở Phú Yên/ gió rát mặt...”.
Đối với một người sáng tạo văn học nghệ thuật, không gì hạnh phúc bằng được đi nhiều, khám phá nhiều để trải nghiệm và tích lũy từ thực tế đời sống. Và vùng đất Phú Yên, với con người chơn chất, nhiệt thành mến khách, lại còn mang vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh kỳ thú là điểm đến lý tưởng cho văn nghệ sĩ.
Phan Hoàng