Sau hơn một năm Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền có hiệu lực (Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 24-3-2011), Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền vào ngày 16-11 tới nhằm trao đổi kinh nghiệm và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện triển khai áp dụng Quyết định số 20 vào thực tế.
Cạnh tranh lộn xộn
Truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã có gần 20 năm nhưng chỉ thực sự phát triển rầm rộ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tính đến nay, trên cả nước có 47 đơn vị truyền hình cáp analog; 4 đơn vị truyền hình IPTV (truyền hình qua internet); 3 đơn vị truyền hình DTH (truyền hình số vệ tinh); 2 đơn vị truyền hình số mặt đất; thêm vào đó còn có truyền hình di động (mobile TV) và những con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng trong tương lai. Cạnh tranh đơn lẻ, thiếu sự hợp tác cùng nhau nên trong thời gian dài, các mạng truyền hình trả tiền thường xảy ra tranh chấp về bản quyền kênh, chương trình cùng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh trong cung cấp dịch vụ.
Tiến tới việc liên kết các đơn vị truyền hình trả tiền, ngày 23-4-2011, Hiệp hội Truyền hình trả tiền được thành lập nhằm giải quyết những tranh chấp hoặc những vấn đề nóng bỏng trong hoạt động truyền hình trả tiền như: cạnh tranh, mua bán bản quyền, thị phần khai thác, giá cước thuê bao, chi phí lắp đặt đầu cuối, kết cấu và nội dung các chương trình, đầu tư kỹ thuật…
Từ khi hiệp hội ra đời, tình trạng tranh chấp bản quyền các chương trình, kênh phát sóng đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn âm ỉ những phức tạp không dễ giải quyết do mâu thuẫn lợi ích là chính. Thực tế cho thấy số lượng và bản quyền kênh nước ngoài vẫn còn lộn xộn, là mối bận tâm của không chỉ các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, công luận và cơ quan quản lý nhà nước.
Quá tải kênh nước ngoài
Hiện nay, tại Việt Nam có 75 kênh truyền hình nước ngoài. Nhưng trên thực tế cho thấy, chỉ một số kênh có giá trị về thông tin, giải trí và được người xem quan tâm. Còn lại, rất ít người xem vì không hiểu, không có nhu cầu; cá biệt, có kênh cả năm người xem không lướt qua một lần (theo khảo sát của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam). Vì vậy có thể nói, số lượng kênh nước ngoài trên truyền hình trả tiền như hiện nay là quá tải so với nhu cầu, do có sự chạy đua về số lượng để thu hút khách hàng.
Phía Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng cho rằng, chỉ dừng ở mức 15 đến 20 kênh nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc, các nhóm kênh cùng tiêu chí nên lựa chọn 1 đến 2 kênh là phù hợp (tùy theo nhóm kênh như: phim truyện, ca nhạc, tổng hợp, khám phá, thể thao, khoa giáo…).
Theo Quyết định số 20 về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, tất cả các kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải được biên tập, biên dịch (sang tiếng Việt - PV) bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực truyền hình. Theo quy định này, từ nay, những kênh chương trình nước ngoài không được biên tập, biên dịch sang tiếng Việt sẽ không được cấp phép phát sóng. Và như vậy, khả năng sẽ có rất nhiều kênh chương trình nước ngoài khó lòng “trụ” lại trên truyền hình trả tiền Việt Nam vì không thỏa mãn được những quy định này.
Chủ trương của nhà nước buộc kênh chương trình nước ngoài phải biên tập, biên dịch tiếng Việt là đúng đắn và là tất yếu để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kích thích sản xuất trong nước và quan trọng là hạn chế chảy máu ngoại tệ. Nhưng từ đây cũng dễ nảy sinh sự độc quyền, nâng giá vì theo quy định: “Các hãng phát thanh, truyền hình nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh trên truyền hình trả tiền phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt Nam”.
Tại Việt Nam hiện nay, đáp ứng đủ điều kiện để trở thành đại lý cho kênh chương trình nước ngoài là không nhiều nên khả năng tăng giá, ép giá vì thế độc quyền là rất dễ xảy ra. Mặt khác, nhiều kênh chương trình nước ngoài không đủ kinh phí để biên tập, biên dịch sẽ phải “về nước”!
NHƯ HOA