Phu-mi

Phu-mi

Bước ra cửa phòng họp Hội Nhà báo Lào ở Viêng Chăn tôi gặp một cô gái Lào trẻ và khá đẹp. Cô mặc chiếc sơ mi màu hồng và vận chiếc xà rông màu xanh đậm. Cô gái bắt tay tôi.

Phu-mi ảnh 1

– Chào bác.

Tôi giật mình vì cô phát âm tiếng Việt rất rõ.
– Cháu là Đa-von, phóng viên học nghề ở Hà Nội. Cháu xin gặp bác một lúc, có được không ạ?

Đồng chí Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Lào rất vui:
– Đa-von tiếng Lào là ngôi sao. Bây giờ cô ấy đang là “sao” của chúng tôi... Này Đa-von, cháu đi với các bác về khách sạn. Hỏi gì thì hỏi tha hồ.

Chưa kịp ngồi Đa-von đã nắm chặt tay tôi, mắt đỏ hoe:
– Ban nãy bác có kể rằng: bác đã đi qua vùng kháng chiến Lào cuối năm 1964 phải không?
– Ừ, lúc đó bác vượt Trường Sơn về Nam, có đi nhiều ngày trên đất Lào rồi có lúc được nghỉ vài ngày vô thăm các bản Lào, thăm bà con…

Đa-von nhìn xoáy vào mắt tôi:
– Cháu nói thế này bác đừng giận nhé. Mẹ cháu có kể rằng: bà có một người bạn là nhà báo Việt Nam và có một người con trai với ông ấy vào năm 1964. Cháu không dám nghĩ xấu về bác, nhưng bác có thể gặp mẹ cháu, giúp bà tìm ra nhà báo ấy không?

Rồi Đa-von lại khóc. Tôi bàng hoàng ngồi lặng đi. Vào năm đó hành quân qua đất Lào toàn là các đơn vị bộ đội, riêng có đoàn chúng tôi với các cán bộ dân chính. Trong đoàn chỉ có tôi là nhà báo. Nhưng tôi không làm chuyện gì xấu, không quen, không sống với một cô gái Lào nào...

Một chiếc xe nhỏ chở tôi, Đa-von, đồng chí phiên dịch và đồng chí Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Lào về Xa-va-na-khét nơi mẹ của Đa-von đang ở. Đa-von ngồi cạnh, cứ nắm chặt tay tôi như sợ tôi sẽ biến mất thì không ai giải thích chuyện này. Tôi hỏi:
– Cháu bao nhiêu tuổi?
– Cháu sinh năm 1975, kém anh cháu 10 tuổi. Cháu học ở Việt Nam bốn năm, mới về nước năm ngoái.
– Thế sao ở Hà Nội lâu thế, cháu không hỏi thăm về ông nhà báo quen với mẹ cháu?
– Cháu hỏi rất nhiều, nhưng không có ai đã ở Lào năm đó và nhất là không ai ghé qua trạm giao liên hỗn hợp Lào Việt cách trạm A-so của Thừa Thiên hai ngày đường.
– Sao? Mẹ nói là ở cách trạm A-so hai ngày đường hả?

Đa-von mừng hẳn lên:
– Có đúng không bác? Có phải bác đã gặp mẹ cháu ở trạm giao liên hỗn hợp cách A-so hai trạm không?
Tôi bàng hoàng. Đúng là ở đó tôi có gặp một cô gái Lào .
Thấy tôi đột nhiên yên lặng, Đa-von tựa lưng vào thành xe giả vờ ngủ nhưng tôi tin cô gái đang hé mắt thăm dò thái độ của tôi.

Đã hơn 30 năm rồi mà tôi vẫn nhớ ngày hôm đó, một ngày thật đặc biệt. Đoàn chúng tôi rời trạm đi chừng hai giờ thì gặp một tốp bộ đội giải một người lính đi ngược chiều. Chúng tôi cùng ngồi nghỉ ở cuối dốc đá. Người lính khá đẹp trai bị trói tay, luôn gục đầu xuống không dám nhìn ai. Anh em bộ đội kể rằng: người lính này vi phạm quân lệnh. Anh ta đã yêu và sống lén lút với một cô giao liên Lào. Họ đã có với nhau một cậu con trai.

Đến giờ nghỉ trưa, cả đoàn bỗng xôn xao hẳn lên, nhất là các cô gái nói năng líu lo, ầm ĩ. Chúng tôi kéo lên đầu dốc: Một cô gái Lào còn rất trẻ, chừng 19, 20 tuổi bế trong tay một chú bé bụ bẫm xinh xắn. Các đồng chí giao liên giới thiệu:

– Cợt-mi, cô giao liên Lào trong trạm hỗn hợp. Chú bé đó con một người lính Việt Nam đã bị kỷ luật…
Chúng tôi nhớ đến người lính vừa bị dẫn về sau. Thằng bé xinh quá, ngoan quá. Mẹ cháu bé nói tiếng Việt chưa sõi:
– Chào Pa-thét Hà Nội. Con Pa-thét Hà Nội đó. Đẹp không?

Nhân dân Lào vẫn gọi bộ đội Việt Nam như vậy, cũng như gọi bộ đội Lào là Pa-thét Lào.

Tôi moi ở đáy ba lô ra một chiếc vòng bạc. Đây là đồ đem theo để đổi thực phẩm. Tôi tròng vào tay cháu bé:
– Để giữ kỷ niệm của Pa-thét Hà Nội nhé.

Các bạn tôi nói với Cợt-mi:
– Anh ấy là nhà báo Hà Nội, sau này sẽ giúp tìm bố cho cháu bé...
Xe chưa dừng hẳn thì Đa-von đã nhảy xuống chạy ào vô nhà. Chúng tôi đến phòng khách thì gặp mẹ Đa-von. Đó là một bà mẹ Lào gần sáu mươi nhưng trông còn khá đẹp. Bà mặc bộ đồ Lào rất khít khao. Trong phòng có bộ xa lông gỗ bóng loáng. Bên trái là một bàn thờ đang nghi ngút khói nhang. Bà mẹ Lào mắt đã mờ, đi lại khó khăn. Đa-von đưa mẹ lại ghế. Cô và mẹ nói với nhau bằng tiếng Lào.
– Mẹ cháu gởi lời chào bác - Đa-von dịch. Tôi đứng dậy:
– Xin chào chị. Là đồng nghiệp với Đa-von, tôi xin được phép đến thăm chị…

Bà nói qua người dịch là Đa-von:
– Chào đồng chí nhà báo Việt Nam. Đồng chí đã đến Lào mấy lần rồi?
Tôi kể lại dịp hành quân đầu tiên trên Trường Sơn Tây. Bỗng bà mẹ loạng choạng đứng dậy đi vô phía trong. Đa-von lại đưa mẹ ra phòng khách, tay bà cầm một chiếc hộp màu đen.
– Đồng chí nhà báo Pa-thét Hà Nội. Có nhớ vật này không?
Chị từ từ mở nắp hộp. Một chiếc vòng bạc: Tôi la lên và nắm chặt tay chị:
– Cợt-mi... chị có phải Cợt-mi không?
– Vâng, tôi đây. Mắt tôi mờ rồi không nhận ra anh. Nhưng sao anh không nhận ra tôi? Tôi già lắm, khác xưa lắm phải không?

Tôi run run ngắm chị. Bấy giờ tôi đã nhận ra Cợt-mi. Đúng Cợt-mi đây rồi. Tôi vội hỏi:
– Cháu bé ngày ấy đâu rồi?
Chị im lặng. Cả tôi và Đa-von đều không nói gì thêm. Một hồi lâu, chị kể:
– Cháu bé tên là Phu-mi. Tiếng Lào có nghĩa là thế giới, là quốc tế. Chắc anh hiểu ý tôi. Cháu lớn lên trong sự chăm sóc của anh em Lào Việt. Cháu ngoan lắm. Sau giải phóng, tôi cho cháu về Xa-va-na-khét học văn hóa. Rồi tôi có gia đình. Anh ấy là một cán bộ tốt, rất yêu thương Phu- mi và Đa-von, xem cả hai đều là con ruột. Phu-mi lớn lên theo học trường sĩ quan và trở thành một cán bộ quân đội có năng lực. Cháu biết trong người mình có dòng máu Việt Nam, cháu nhắc tôi tìm bố. Cha của Đa-von cũng đã sang Việt Nam thăm hỏi nhiều lần nhưng không ai biết.
– Phu-mi bây giờ ở đâu?

Cợt-mi quay đầu về phía bàn thờ, ngậm ngùi:
– Cháu tham gia lực lượng tiểu phỉ trên biên giới Việt Lào. Cháu làm thế bởi cháu muốn góp công sức cho tổ quốc của cha. Thế rồi trong một trận đánh cách đây hai năm, cháu anh dũng hy sinh. Cháu đã trọn nghĩa vẹn tình với quê cha Việt Nam.

Tôi đứng dậy:
– Chị cho phép tôi thắp nhang cho Phu-mi.
– Khoan đã. Đa-von sẽ đưa anh ra nghĩa trang thăm cháu… Đa-von, con ra phố mua nhang, đèn, hoa tươi, trái cây rồi về đây đưa bác ra nghĩa trang…
Đa-von đi rồi, Cợt-mi nói gì đó với người phiên dịch giọng rất nghiêm trang. Người phiên dịch nói với tôi:
– Chị Cợt-mi sẽ nói với anh một điều rất quan trọng. Chị yêu cầu anh và tôi giữ bí mật đến cùng, không được cho Đa-von biết.
– Chị cứ nói, tôi xin hứa sẽ không nói với cháu.
– Anh hiểu cho tôi. Bao năm nay tôi nói với cha con Đa-von và Phu- mi rằng, bố cháu là một nhà báo Việt Nam. Anh hiểu đó, tôi đâu có dám nói Phu-mi là con một người giao liên vi phạm kỷ luật chiến trường. Bây giờ cháu Phu-mi đã mất, rất mong anh đừng để cháu Đa-von biết về một kỷ niệm không vui của mẹ cháu…
– Bố của Đa-von ở đâu?
– Anh ấy đang công tác ở nước ngoài. Anh không buồn vì quan hệ của tôi và bố Phu-mi. Anh đã nhờ Hội Nhà báo Việt Nam tìm bố cháu. Nhưng anh biết đó, làm sao tìm được!... Anh… anh có thể giúp tôi nhận là bố của Phu-mi không?
Tôi bàng hoàng trước đề nghị của chị. Nếu tổ chức Đảng và gia đình tôi nghe chuyện này, có hiểu được hoàn cảnh tôi hôm nay? Song tôi không đủ can đảm từ chối đề nghị của Cợt-mi.

Đa-von về với giỏ xách trái cây và nhang đèn. Cô gái đến bên mẹ, hớn hở:
– Mẹ ơi! Thế là mẹ đã gặp người thân của mình. Tiếc rằng anh Phu- mi không còn sống để gặp bố. Bây giờ mẹ và bác đi cùng con ra thăm anh Phu-mi nhé.

Chúng tôi đứng trước ngôi mộ của người sĩ quan mang hai dòng máu Lào Việt. Nhìn di ảnh trên mộ, tôi đã nhận ra cái miệng tròn của Phu-mi. Tôi nói thầm với cậu:
– Bác sẽ nhận Phu-mi là con. Con đã hy sinh cho Tổ quốc của cha. Con xứng đáng là một người lính của Bác Hồ. Cám ơn con rất nhiều.

Tôi bật khóc, thương Phu-mi, thương Cợt-mi... Đa-von ôm chặt tôi nức nở:
– Bác ơi, bác là bố của anh Phu-mi thì cũng là bố của con.

Chúng tôi xin phép trở lại Viêng Chăn bởi sẽ rất khó xử nếu như đêm nay tôi ở lại Xa-va-na-khét. Đồng chí phiên dịch tìm cách “giải vây” cho tôi. Anh nói với Đa-von:
– Tối nay đồng chí Chủ tịch Hội sẽ tiếp bố con. Vì vậy, chúng ta phải về sớm. Với lại bố con ở lại đây không tiện chút nào. Dù thông cảm đến bao nhiêu, cũng không nên để cha con hiểu lầm về quan hệ cũ của hai người bạn già...

Cợt-mi cũng hiểu điều đó. Chị nói với Đa-von:
– Để bố Phu-mi đi công việc. Rồi chúng ta lại có dịp cả nhà ngồi bên nhau.
Bắt tay Cợt-mi và không giữ được xúc động, tôi ôm chặt chị như một người thân thiết. Chị khóc thành tiếng. Đa-von nhào tới ôm cả tôi và mẹ cháu trong tay.

Trên đường về Viêng Chăn, Đa-von gục vô lòng tôi ngủ ngon lành như một đứa con nhỏ bên người bố tin yêu.

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục