PVN chỉ định tổng thầu cho PVC: Cố ý làm trái và lợi ích nhóm

Ngày 15-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo tại vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục với nội dung đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát đối với  những quan điểm bào chữa cho bị cáo của luật sư.

Ngày 15-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục với nội dung đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát đối với  những quan điểm bào chữa cho bị cáo của luật sư.
Trong nội dung đối đáp, đại diện cơ quan tố tụng tại tòa đã thẳng thắn bác bỏ phần lớn quan điểm của luật sư bào chữa, cũng như nội dung tự bào chữa của các bị cáo liên quan đến các tội danh bị truy tố và xét xử.

Liên quan tới tội Cố ý làm trái, đại diện Viện Kiểm sát cho biết trước đó ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) đã khai nhận cho rằng việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là xuất phát từ kết luận của Chính phủ về chủ trương xây dựng PVN thành tập đoàn kinh tế vững mạnh. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát thẳng thắn cho biết, Chính phủ không có bất cứ chỉ đạo cho PVC làm tổng thầu, hay cho PVN được chỉ định thầu. Trong công văn của Chính phủ trả lời PVN về đề xuất của PVN cho PVC làm tổng thầu, Thủ tướng lúc đó có ý kiến chỉ đạo PVN là lựa chọn nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực.

“Có cơ sở khẳng định Chính phủ không có văn bản nào đồng ý cho PVN chọn PVC làm tổng thầu. Qua đó, có thể đặt ra câu hỏi, liệu PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng hay không” – đại diện cơ quan tố tụng đặt vấn đề.
PVN chỉ định tổng thầu cho PVC: Cố ý làm trái và lợi ích nhóm ảnh 1 Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án tại PVN và PVC . Ảnh : TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát cũng chỉ rõ vào giai đoạn năm 2010, PVC đang gặp khó khăn về tài chính và Chủ tịch HĐTV PVN biết tình trạng của PVC nhưng trong các báo cáo của PVN gửi Chính phủ không nêu vấn đề này. Hơn nữa, PVC cũng không đáp ứng kinh nghiệm làm tổng thầu cho một dự án lớn như Nhiệt điện Thái Bình 2 vì hai dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và Nhơn Trạch 2 trước đó, PVC chỉ tham gia xây dựng và không thiết kế.

Cũng theo đại diện cơ quan tố tụng, khai báo trước tòa, chính bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng thời điểm đó PVC không đủ năng lực làm, chỉ có Lilama đủ năng lực mà thôi. Vì vậy, việc PVC không có năng lực làm tổng thầu dẫn đến hệ lụy dự án thi công Nhiệt điện Thái Bình 2 kéo dài tiến độ, PVN và PVC chịu chi phí phát sinh lớn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Nhà nước.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng chỉ rõ, PVN do Nhà nước quản lý và giao cho PVN mục tiêu là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tại PVN và vốn PVN đầu tư tại các dự án khác. Nhà nước giao cho ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV của PVN. Toàn bộ tài sản dù là nhỏ nhất của PVN được nhà nước và nhân dân giao phó, ủy thác cho ông Đinh La Thăng để phát huy giá trị, lợi ích, đồng thời yêu cầu phải tuân thủ pháp luật nhưng trái lại.

"Trong vụ án này bị cáo có tuân thủ pháp luật không, có trái, có sai không?” – đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi.

Phản bác lại các quan điểm bào chữa trước đó của luật sư, đại diện cơ quan tố tụng nhấn mạnh, trên cơ sở tài liệu chứng chứ có trong hồ sơ, một lần nữa khẳng định có căn cứ pháp luật chứng minh hành vi Cố ý làm trái của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Về việc xác định khoản thiệt hại do hành vi Cố ý làm trái gây ra, đại diện Viện Kiểm sát chỉ rõ, trong cáo trạng đã kết luận và bản thân nhiều bị cáo đã thừa nhận trước tòa việc tạm ứng cho PVC số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là trái quy định pháp luật. Sau đó, số tiền này đã bị sử dụng sai mục đích, trái quy đinh pháp luật dẫn tới số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng là có căn cứ, thậm chí thấp hơn mức tính toán nếu xác định đúng thực tế và việc xác định như cáo trạng là theo hướng có lợi cho bị cáo. Vì vậy, đại diện cơ quan tố tụng chỉ rõ quan điểm luật sư và bị cáo nói việc tạm ứng, chi tiền trái mục đích không tạo ra thiệt hại hoặc thiệt hại không đáng kể là không có cơ sở.

Đáng chú ý, không chỉ làm rõ hành vi Cố ý làm trái, mà trong nội dung đối đáp, đại diện Viện kiểm sát cũng làm rõ mối quan hệ “lợi ích nhóm” trong vụ án này.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) đều do ông Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc các vị trí quan trọng tại PVC.

Trên cơ sở mối quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ký hợp đồng EPC số 33 với PVC và tạm ứng tiền trái pháp luật cho PVC để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng một số bị cáo khác sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.

“Qua đó cho thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án” – đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ.

Tin cùng chuyên mục