Chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật
Sau 5 năm triển khai (2009-2014) với hơn 70% người khuyết tật (NKT) tốt nghiệp có việc làm ổn định, đến nay, chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho NKT (ITTP) tại Trường Đại học Văn Lang (VLU) đã được cộng đồng NKT cùng các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước biết đến là một điểm sáng về hoạt động giúp NKT hòa nhập cộng đồng và nuôi dưỡng niềm tin yêu cuộc sống.
Vững tin vào tương lai
Qua 5 năm thực hiện chương trình ITTP tại VLU đã có 663 NKT được đào tạo, trong đó 589 người đã tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định. Đặc biệt, một số người đã trở thành công chức, viên chức nhà nước như trường hợp chị Trần Thị Ngọc Mai, hiện làm việc tại Chi cục Thuế quận 1, TPHCM.
Kể về chuyện học, cô gái trẻ Cao Hoàng Phi Phụng, cựu học viên lớp Lập trình viên (SE1) xúc động: “Mặc cảm, thiếu tự tin cùng cảm giác mất phương hướng trong cuộc sống là hạn chế mà những NKT như tôi gặp phải. Chương trình ITTP của VLU đã mở ra cánh cửa tương lai cho tôi và các học viên khuyết tật. Ngoài nỗ lực hết mình, sự cảm thông, tình cảm yêu thương và sự giảng dạy tận tâm của các thầy cô giáo chính là yếu tố quan trọng đưa tôi đến thành công như hôm nay”. Qua 3 vòng phỏng vấn, Phụng đã được nhận vào làm tại Công ty Phần mềm LogiGear với mức lương 700 USD/tháng.
Đại diện VLU thăm các học viên tại Công ty GHP Far East
Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Thị Hải Yến, học viên tốt nghiệp Lập trình viên giai đoạn 2 (2011) của dự án, hiện là lập trình viên của Tập đoàn Công nghệ thông tin GES. Hải Yến khá tự tin về tương lai: “Nhờ chương trình ITTP mà tôi và các bạn khuyết tật có cuộc sống ổn định. Công việc lập trình viên với mức lương hàng trăm USD mỗi tháng là điều mà 4 năm về trước tôi không hề dám mơ tưởng”.
Chia sẻ với cộng đồng
Không chỉ giúp NKT xóa bỏ rào cản xã hội mà điểm sáng của chương trình ITTP còn thể hiện qua việc chính những học viên khuyết tật đã chia sẻ kiến thức lĩnh hội được cho những người cùng cảnh ngộ. Tiêu biểu là trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc (52 tuổi, ở Bình Phước), học viên khiếm thị lớn tuổi nhất trong các khóa học của ITTP. Bị mù do bom đạn trong chiến tranh nhưng với tính ham học, mấy chục năm trời lần mò, tự học qua sự giúp đỡ của hội người mù địa phương, bà Ngọc đã biết đọc và năm 2011, bà mạnh dạn đăng ký học lớp tin học cộng đồng cho NKT và tốt nghiệp giai đoạn 3 với kết quả khá. Đến nay, bà Ngọc đã trực tiếp dạy tin học cho hàng trăm lượt trẻ mù nghèo.
Còn với anh Trần Văn Tiền (34 tuổi, ở Tiền Giang) thì: “Học thêm kiến thức là điều tôi luôn quyết chí phấn đấu. Những ngày học ở VLU, tôi đã suy nghĩ và viết dự án xin tài trợ để lập lớp tin học cho người mù nghèo ở quê tôi”.
Mở vòng tay nhân ái
Nét mới của chương trình là việc mời các doanh nghiệp tham gia tất cả các giai đoạn đào tạo của dự án, từ khâu thiết kế ban đầu đến thực hiện và cuối cùng là phản hồi, đánh giá và điều chỉnh chương trình đào tạo; thực hiện mô hình giáo dục đồng đẳng (có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên là NKT). Đồng thời, chương trình còn được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng NKT bằng việc thiết kế mạng lưới học online để tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa có thể tham gia chương trình; kết hợp giữa truyền đạt kiến thức và đào tạo các kỹ năng mềm và nhờ đó chương trình ITTP đã đáp ứng được trình độ năng lực rất khác nhau của NKT.
Các học viên tham gia kiến tập tại Công viên Phần mềm Quang Trung
Ông Trần Phan Việt Dũng, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc dự án ITTP, khẳng định: “Mô hình ITTP tại VLU đã đem lại lợi ích thiết thực cho NKT nói riêng và xã hội nói chung, góp phần quan trọng để VLU trở thành một trường đại học thân thiện với cộng đồng. Vì vậy, mô hình ITTP là rất cần thiết. Mô hình ITTP cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng kế hoạch quốc gia về dạy nghề cho người khuyết tật giai đoạn 2014-2020”.
Mai Nguyễn