Qua vụ án Vạn Thịnh Phát, những ông chủ đứng sau thao túng ngân hàng rất tinh vi

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, thực tế qua vụ SCB vừa qua và thực trạng hiện nay cho thấy có 3 vấn đề là sở hữu chéo, chi phối, thao túng tổ chức tín dụng đang tạo nên những rủi ro lớn. Trong đó, sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình.

Chiều 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý nhằm tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Trong đó, dự thảo luật chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng…

ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong phiên thảo luận, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất việc chỉnh lý các quy định liên quan tới việc chấm dứt sở hữu chéo, thao túng, chi phối ngân hàng. Ngoài những điều chỉnh này, ĐB cho rằng cốt lõi là phải có công cụ giám sát các ông chủ, cổ đông lớn của ngân hàng là doanh nghiệp, để không xảy ra trường hợp tương tự như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

“Hiện nay người ta nghĩ rằng tiền gửi của người dân đi vào các ngân hàng này lại không được đến tay của người vay hoặc đến tay của doanh nghiệp vay, mà vay thì rất khó khăn, nhưng cổ đông hoặc ông chủ của các ngân hàng này lại vay rất dễ dàng. Tình hình này nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thì khả năng xảy ra như SCB”, ĐB Phạm Văn Hòa nói và đề nghị ngân hàng phải có trách nhiệm và quan tâm nhiều hơn đối với việc này.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Góp ý chi tiết hơn, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, thực tế qua vụ SCB và thực trạng hiện nay cho thấy có 3 vấn đề là sở hữu chéo, chi phối, thao túng tổ chức tín dụng đang tạo nên những rủi ro lớn. Vì vậy cơ quan quản lý, giám sát cần phải cấp bách nhận diện, ngăn chặn và xử lý triệt để.

Theo ĐB Trịnh Xuân An, sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, hiện nay các công cụ mà luật đang thiết kế như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ… “tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, điều này theo tôi là không hiệu quả”, ĐB Trịnh Xuân An góp ý và kiến nghị, luật cần phải xây dựng được quy định để xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị cần minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Đồng thời có công cụ kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. “Chỗ này cần quy định hết sức cụ thể liên quan dòng tiền vì dòng tiền không phải tự nhiên có. Nó phải từ đâu đó, từ cá nhân nào đi. Vụ án Vạn Thịnh Phát cho ta bài học như vậy”, ĐB Trịnh Xuân An nêu rõ.

Về bảo vệ quyền lợi khách hàng, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng riêng.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thực tế, có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin về lãi suất, mức phí, mức lãi phạt, loại hình, mục đích sản phẩm. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi, quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.

“Có tình trạng khách hàng, nhất là các khách hàng lớn tuổi đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng được tư vấn mua hợp đồng bảo hiểm, mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại cung cấp hợp đồng, cấp tín dụng cho khách hàng kèm hợp đồng bảo hiểm và xem đây là điều kiện để giải ngân”, ĐB chỉ thực trạng.

Do vậy, ĐB đề nghị xem xét, bổ sung quy định, cơ chế để bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, cần có một cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm giải quyết các vụ việc tranh chấp, phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng. Tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, cần cân nhắc việc để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm bởi vì sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích và thực tiễn đã có xảy ra. “Với mức chiết khấu từ 70-80% cho doanh thu phí bảo hiểm 2 năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và hỗn hợp là mức rất hấp dẫn mà tôi nghĩ rằng rất khó có thể cưỡng lại và việc kiểm soát rất khó khăn”, ĐB băn khoăn.

Ngoài ra, ĐB Phạm Văn Thịnh cho rằng, trong mối quan hệ giữa khách hàng với các tổ chức tín dụng thì hầu hết trường hợp khách hàng đều ở góc độ yếu thế, kể cả về kiến thức cũng như về các điều kiện khác. Cho nên ĐB đề nghị cần phải có cơ chế để bảo vệ quyền lợi của người yếu thế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Giải trình với các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.

Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.

Tin cùng chuyên mục