(SGGPO).- Chiều tối 23-2, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (QK7) đã tổ chức gặp mặt lãnh đạo ngành y tế và y bác sĩ các bệnh viện trên địa bàn QK7 nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2015).
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh QK7; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy QK7; cùng nhiều tướng lĩnh, cán bộ cách mạng lão thành, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, các Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, đội ngũ y bác sĩ QK7 các thời kỳ, lãnh đạo các bệnh viện của 9 tỉnh trên địa bàn QK7, chỉ huy các đơn vị quân đội, như: Sư đoàn Phòng không 367, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Hải quân khu vực phía Nam, Cảnh sát biển…
Trong không khí thân mật, Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh QK7 đã ôn lại truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành y trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Với tinh thần yêu nước mãnh liệt và thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhiều chiến sĩ áo trắng đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng sau cùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tại địa bàn QK7, lực lượng quân y đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân y đã tạo nên sức mạnh to lớn trong kháng chiến cũng như trong thời bình, góp phần vừa đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, vừa chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và khám, chữa bệnh kịp thời cho người dân. Riêng ngành quân y QK7 luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, chủ động diễn tập phòng thủ về lĩnh vực y tế nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời với mọi tình huống, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của LLVT QK7 anh hùng.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận và biểu dương công lao to lớn của ngành y trên địa bàn QK7, đồng thời nhấn mạnh: Ở đâu có đau khổ hay thảm họa như động đất, thiên tai, dịch bệnh… là ở đó ngành y có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ cứu người. Trước tình trạng bệnh viện quá tải như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Thời gian qua, việc đầu tư cho ngành y tế còn rất “khiêm tốn”, sau 40 năm giải phóng hầu như TPHCM chưa xây mới được bệnh viện nào (trừ Bệnh viện Nhi đồng mới được khởi công và bệnh viện Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình sắp khởi công), trong khi dân số TPHCM (kể cả dân nhập cư) tăng nhanh gấp 2-3 lần so với trước. Đó là chưa kể tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm đã làm số bệnh nhân ung thư, tiểu đường…tăng cao gây thêm áp lực và gánh nặng cho ngành y. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngành y phấn đấu đầu tư và khánh thành thêm nhiều bệnh viện mới; tiếp tục đổi mới cơ chế hành chính, điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp, huy động các bệnh viện quân đội tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế; tích cực phòng chống dịch bệnh…
Tại buổi gặp mặt, thay mặt lớp bác sĩ đi trước, Đại tá, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Sanh Dân, nguyên Trưởng phòng Quân y QK7 xúc động dặn dò đội ngũ y bác sĩ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền” mà Bác Hồ đã dạy để xứng đáng với những hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước. Đại tá Nguyễn Sanh Dân cũng cho biết, vừa qua, nhiều tập thể, cá nhân và những đồng đội còn sống đã đóng góp 2,5 tỷ đồng để xây dựng Nhà Tưởng niệm tưởng nhớ hơn 3.000 liệt sĩ là y bác sĩ hy sinh tại chiến trường trên địa bàn QK7.
MINH NGỌC