Từ những vụ án xảy ra ở các chi nhánh ngân hàng NN-PTNT tại TPHCM

Quản lý lỏng lẻo, xử lý buông lơi

Quản lý lỏng lẻo, xử lý buông lơi

TAND TPHCM vừa xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn. Trong số các bị cáo phải ra trước vành móng ngựa có đến 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chi nhánh Chợ Lớn. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra sai phạm ở những chi nhánh của Ngân hàng NN-PTNT tại TPHCM. Khi phát hiện, số tiền bị chiếm đoạt của các chi nhánh đã lên đến tiền tỷ.

Trực tiếp “ẵm” tiền

Chỉ đến khi vụ án tham ô xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT 8 được khởi tố, nhiều tiểu thương chợ Bình Tây mới biết mình trở thành “con nợ” bất đắc dĩ của ngân hàng hoặc số tiền mình vay trên hợp đồng đã được nâng lên rất nhiều so với số tiền thực nhận. Quá trình điều tra cho thấy: lợi dụng việc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT 8 cho một số tiểu thương vay vốn kinh doanh, từ năm 2004 Nguyễn Thị Thu Hà (trưởng phòng tín dụng của chi nhánh) đã chỉ đạo các cán bộ tín dụng dưới quyền như: Nguyễn Huỳnh Thy Thảo, Đào Thị Thu Hiển ghi tăng số tiền vay trên 47 hợp đồng để Hà “vay ké”; đồng thời sử dụng giấy chủ quyền sạp đang thế chấp để trong kho ngân hàng và giả chữ ký của khách hàng lập ra 44 bộ hồ sơ khống xin vay tiền.

Các bị cáo liên quan đến vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn được dẫn giải đến phiên tòa.

Các bị cáo liên quan đến vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn được dẫn giải đến phiên tòa.

Ngoài ra, khi trực tiếp thu tiền trả góp của tiểu thương hoặc nhận từ Thảo, Hiển chuyển về, Hà không nộp vào ngân hàng để trừ nợ vay của khách mà giữ lại sử dụng riêng. Đến khi bị bắt giam vào giữa năm 2005 về hai tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hà đã “ẵm” của Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT 8 tổng cộng hơn 18 tỷ đồng. Dù Hà nỗ lực nộp tiền khắc phục hậu quả cũng như một số cá nhân khác có vay, mượn tiền của Hà đã liên hệ ngân hàng để trả lại thì số tiền ngân hàng bị chiếm đoạt đến nay vẫn còn hơn 8 tỷ đồng. Trực tiếp giúp sức hoặc buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho Hà thực hiện hành vi phạm tội, 8 cán bộ, nhân viên khác của chi nhánh (trong đó có nguyên giám đốc Hoàng Trọng Chỉ) cũng bị truy tố ra trước tòa để xét xử.

Bị chính cán bộ của mình “thụt két” tương tự là trường hợp của Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Củ Chi. Trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của chi nhánh, từ đầu năm 2002 đến giữa tháng 3-2008, Phạm Thị Thật (nguyên giám đốc) đã cấu kết cùng Nguyễn Văn Hùng (nguyên giám đốc), Nguyễn Văn Minh (nguyên phó giám đốc), Nguyễn Xuân Thành (nguyên phó giám đốc), Nguyễn Thị Gái (nguyên trưởng phòng kế toán ngân quỹ), Hà Thị Tý (nguyên trưởng phòng hành chính nhân sự) ăn chặn hơn 2 tỷ đồng của ngân hàng qua một loạt hành vi: để ngoài sổ sách tiền bán mẫu hồ sơ vay (mẫu khế ước), tiền phí dịch vụ thu của Công ty TNHH Thực phẩm và nước giải khát Dutch Lady Việt Nam và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi (tiền dịch vụ lẽ ra ngân hàng được hưởng), lập danh sách CB-CNV làm việc ngoài giờ khống. Tuy đã nộp lại toàn bộ khoản tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, các bị cáo vẫn phải nhận lãnh bản án nghiêm khắc - từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù giam.

Tiếp tay “móc túi”

Trong vụ tiêu cực đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn đang được TAND TPHCM xét xử, lẽ ra Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn không dễ bị chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng nếu không có tiếp tay của “người trong nhà”. Tại phiên tòa, Nguyễn Công Định (cán bộ tín dụng) khai nhận: sau khi tiếp nhận hồ sơ xin vay tiền của Công ty TNHH XD-TM-KD Thành Phát để đầu tư xây dựng cụm công nghiệp sạch xen kẽ khu dân cư tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, Định đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước về hoạt động của các tổ chức tín dụng khi xét duyệt, thẩm định hồ sơ xin vay tiền của công ty này.

Cụ thể, khi lập báo cáo thẩm định, Định không xác định điều kiện về mức vốn tự có; không xác minh, kiểm tra, đối chiếu vốn và năng lực kinh doanh mà tự ghi nhận Công ty Thành Phát có khả năng tài chính, có nguồn vốn tự chủ tốt, có khả năng quản lý và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Còn về phần Trần Văn Tuyến (nguyên giám đốc) và Lưu Thị Minh Hiền (nguyên phó giám đốc), bản án xác định hai bị cáo này cùng Định đã cho giải ngân không căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án, không yêu cầu bên vay cung cấp chứng từ xin vay phù hợp mục đích sử dụng vốn vay như hợp đồng tín dụng đã ký kết, sau khi giải ngân không kiểm tra xem bên vay sử dụng tiền như thế nào… Thay vì quản lý chặt chẽ đồng tiền mà Nhà nước mà nhân dân tin cậy giao phó, hành vi trên của các bị cáo không khác gì mở toang cửa mời “cáo” vào nhà.

Nhưng nếu xét về kỷ lục thiệt hại trong các chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tại TPHCM xảy ra sai phạm, chưa nơi đâu “qua mặt” được chi nhánh Tân Bình. Theo kết quả điều tra ban đầu, Trần Huỳnh Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trường Phát Đạt) cùng Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Reetech, trực thuộc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, hiện đã bỏ trốn) giả mạo các hợp đồng kinh tế đầu tư vào dự án Cao ốc văn phòng E-town 2, E-town 3&4 do Công ty REE làm chủ đầu tư và sử dụng các tờ cổ phiếu giả có nội dung ghi do Công ty REE phát hành để vay nhiều lần rồi chiếm đoạt tổng cộng 120 tỷ đồng.

Đáng nói là sự giả mạo trên không thể trót lọt nếu không có sự tiếp tay của Giám đốc chi nhánh Nguyễn Tám, Phó giám đốc chi nhánh Phạm Việt Văn và Phó Phòng tín dụng của chi nhánh Đỗ Giao Toàn. Không tiến hành trực tiếp thẩm định tại Công ty REE, không thẩm định các yêu cầu cần thiết để xác định các công ty Cát Phương Nam, Trường Phát Đạt có đủ điều kiện vay tiền hay không nhưng Toàn lại lập báo cáo thẩm định đề xuất cho vay vốn và lập hợp đồng tín dụng để Tám, Văn ký.

Về phần mình, Tám chỉ đạo cán bộ dưới quyền không cần đến Công ty REE bàn bạc, thẩm định mà chỉ cần lấy tài liệu liên quan do Nghĩa, Hoa cung cấp là được! Còn Văn đã ký vào hợp đồng tín dụng mà không cần biết hồ sơ hợp lệ hay không. Một điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các thủ tục chỉ tiến hành trong một ngày, trong khi nếu làm đúng theo quy định về quy trình xét duyệt cho vay, quy trình thẩm định thì không thể giải quyết trong thời gian ngắn như vậy. Bởi những việc làm sai quy định của Tám, Toàn, Văn đã khiến “con voi chui lọt lỗ kim”, gây thất thoát cho Nhà nước hơn trăm tỷ đồng không thể thu hồi.

Nhiều sơ hở trong quản lý

Qua những vụ án xảy ra tại các chi nhánh của Ngân hàng NN-PTNT trên địa bàn TPHCM đã được phát hiện, xử lý trong thời gian qua, cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng cho vay phần lớn đối với các dự án bất động sản, đòi hỏi số tiền cho vay lớn nhưng độ rủi ro rất cao. Ngoài ra, Ngân hàng NN-PTNT thành lập quá nhiều hệ thống chi nhánh (chủ yếu ở các thành phố lớn) và giao quyền hoạt động độc lập để các chi nhánh này có đầy đủ chức năng như một ngân hàng “con” nên khó kiểm soát, quản lý. Chỉ đến khi có đơn thư tố giác sai phạm thì ngân hàng mới vào cuộc thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc giao quyền độc lập cho giám đốc chi nhánh cũng tạo nên tình trạng “gia đình trị”, từ đó các thành viên trong “gia đình” dễ cấu kết nhau làm sai quy định để hưởng lợi. Điển hình như ở Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Tân Bình, hầu hết lãnh đạo các bộ phận quan trọng đều là người nhà của giám đốc, trong đó Toàn là con rể của Tám. Hay trong vụ giao dịch viên của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Củ Chi chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của khách hàng, thủ phạm chính là Nguyễn Thị Thu Hương – con dâu của nguyên giám đốc Phạm Thị Thật.

Cách xử lý thiếu kiên quyết cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ sai phạm xảy ra tại các chi nhánh ngày càng nhiều. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, cho dù phát hiện ra sai phạm, Ngân hàng NN-PTNT trung ương chỉ âm thầm xử lý nội bộ chứ không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý; và cũng chưa có trường hợp cán bộ sai phạm nào bị cách chức.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục