Chiều 24-7, tại TP Cần Thơ diễn ra hội nghị tổng kết chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển ĐBSCL, đồng tài trợ bởi Chính phủ Đức, Úc và Việt Nam với tên gọi “Đổi mới để chuyển mình, Hành trình vì ĐBSCL thịnh vượng và bền vững về khí hậu từ năm 2011”.
Chương trình này được thực hiện từ năm 2011, với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác trong nước và quốc tế.
Theo các chuyên gia, sau một thời gian vùng ĐBSCL hình thành và phát triển một cách tự nhiên và ổn định, từ năm 2005 trở lại đây có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì những thay đổi của khí hậu và môi trường.
Những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đã gây ra nhiều hệ lụy. Cụ thể, qua những nghiên cứu, dự báo đến năm 2100, khoảng 38% diện tích vùng ĐBSCL có nguy cơ bị ngập hoàn toàn trong nước, hơn 50% diện tích đường bờ biển dài 720km đang bị xói mòn...
Do đó, chương trình đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ vùng ven biển và quản trị vùng bờ như:
- Gói chính sách về quản lý rừng tạo ra tác động tích cực tới 3.200km đường bờ biển ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho hơn 8,7 triệu người;
- Giới thiệu hàng rào chắn sóng hình chữ T để phục hồi các bãi bồi và rừng ngập mặn, giành lại được 10ha đất từ biển và phục hồi 603ha rừng ngập mặn; 40.000 người được bảo vệ an toàn hơn trước thời tiết cực đoan...