Quảng bá ẩm thực Việt với mô hình thức ăn

“Những sản phẩm mô hình về bún thang, bánh mì, phở bò… sẽ giúp du khách có cái nhìn trực quan về món ăn, văn hóa ẩm thực Việt Nam”, anh Trần Hữu Hưng, chủ thương hiệu NK Food Sample, nói về các sản phẩm mô hình ẩm thực được miêu tả là thật đến từng chi tiết do anh thực hiện.

Bắt nhịp xu hướng

Anh Trần Hữu Hưng (Hà Nội) bén duyên với nghề làm mô hình thức ăn khi sang Nhật Bản, Trung Quốc năm 2013. Nhận thấy các nhà hàng ở đây trưng bày rất nhiều mô hình thức ăn, thấy hữu ích nên anh Hưng tìm hiểu và phát triển sản xuất kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay.

Mẫu món ăn của NK Food Sample được làm chủ yếu theo đơn đặt hàng online của các nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và người Việt ở nước ngoài. Giá của những mô hình đồ ăn trưng bày sẽ cao hơn đồ ăn thật do phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng đổi lại, chúng rất bền và giữ được trong khoảng 5-10 năm tùy từng sản phẩm.

“Đi vào một số nhà hàng Nhật và quán ăn Việt ở Hà Nội, thi thoảng tôi bắt gặp mô hình đồ ăn trưng bày trông bắt mắt và kích thích vị giác. Khi nhìn vào mô hình đồ ăn, tôi sẽ biết được những thành phần nguyên liệu chính có trong món và tránh được những thứ tôi không thích ăn”, vừa ngắm nhìn các sản phẩm mô hình, Hồng Nhung (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

f5c-8887.jpg
Anh Hưng với bộ sưu tập đồ ăn Việt để quảng bá nét đẹp ẩm thực Việt Nam. Ảnh: NVCC

Từ một kỹ sư hóa chất, anh Hưng quyết định rẽ hướng sang nghề làm thức ăn mô hình, bởi nhận ra xu hướng ưa chuộng của thị trường. Trong 2 năm đầu, anh tự tìm tòi, học hỏi trong sách hướng dẫn và các nguồn tư liệu trên internet. Hưng bật mí, từ những mẫu món ăn khách hàng yêu cầu, anh sẽ đúc những khuôn để sao chép hình dạng; sau đó sẽ pha chế hóa chất phù hợp rồi đổ vào khuôn để tạo thành phôi của thức ăn; tiếp đến là công đoạn tô vẽ, trang trí cho mô hình; cuối cùng là khâu sắp xếp cho đúng với mẫu mà khách hàng đặt. Công đoạn khó nhất là làm sao để màu trên sản phẩm giống thật. Mọi chi tiết nhỏ đều phải bắt chước thật giống, do đó, người làm đồ ăn mô hình tốn rất nhiều công sức để tạo ra từng bộ phận nhỏ của sản phẩm với số lượng nhân đôi, nhân ba…

“Để tô vẽ, trang trí, ta cần nắm được cái hồn, màu sắc của thức ăn thật. Mô hình có giống đồ ăn thật hay không là nhờ ở công đoạn này”, anh Hưng chia sẻ thêm. Vào mùa hè, lượng đặt hàng mô hình đồ ăn trưng bày tăng gấp đôi, gấp ba so với các mùa khác do thời tiết nóng ẩm, không tiện cho việc trưng bày đồ ăn thật. Đặc biệt dịp cuối năm, cận tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là thời điểm các nhà hàng trưng dụng đa dạng mô hình đồ ăn trưng bày. Ngoài việc để trưng bày trên kệ nhà hàng, các mô hình đồ ăn đủ các kích cỡ được gắn trên các móc khóa, dùng để trang trí ở các hàng quán, thậm chí có một thời gian rộ lên xu hướng kẹp tóc đồ ăn, ốp điện thoại đồ ăn.

Đồ ăn Việt rất đa dạng, phong phú, tôi muốn phát triển thành một bộ sưu tập những đồ ăn Việt với mong muốn có thể quảng bá, nâng tầm, tỏa sáng giá trị Việt Nam tới bạn bè quốc tế, hoặc những khách hàng ở vùng miền khác nhau. Từ đó, họ có cái nhìn trực quan về các món ăn, kích thích vị giác và tăng nhu cầu thưởng thức.

Anh Trần Hữu Hưng tâm sự

Quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt

Giá thức ăn mô hình tuy đắt hơn vài lần so với thức ăn thật nhưng khách vẫn đặt hàng vì hiệu quả thẩm mỹ trong trang trí. Chẳng hạn, sushi có giá từ 80.000 đồng/viên; phở từ 700.000 đồng/bát; chè, đồ giải khát từ 500.000 đồng/bát/cốc; bánh mì từ 250.000 đồng/cái; bánh sinh nhật từ 600.000 đồng/cái; bánh pizza từ 700.000 đồng/cái…

f1e-917.jpg
Bộ sưu tập đồ ăn Việt của anh Trần Hữu Hưng, chủ thương hiệu NK Food Sample

Ở trong nước, các nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, các quán bánh ngọt, cà phê, siêu thị, bảo tàng, các đơn vị về dinh dưỡng và hãng bay đều sử dụng thức ăn mô hình để trưng bày thay thế cho sản phẩm thật. Nhiều thương hiệu lớn như Vietjet, Nutifood, AEON Mall… trở thành khách hàng của anh Hưng để quảng bá các món ăn với khách hàng trong và ngoài nước. Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An đã nhiều năm hợp tác với thương hiệu NK Food Sample để lưu giữ, giới thiệu tới du khách nét độc đáo, giá trị trong văn hóa ẩm thực Việt của các vùng miền.

Các thức ăn mô hình của anh Hưng cũng có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Australia, Singapore… với những mẫu món ăn theo đặc trưng của từng nước. Tùy yêu cầu của khách hàng, mô hình thức ăn sẽ có kích thước thật để thực khách hiểu món ăn, hoặc kích thước sáng tạo để trang trí hàng quán.

Anh Hưng đặc biệt chú trọng mô hình đồ ăn Việt như cơm, các loại phở, bún chả, bún thang, bánh mì, rau củ quả… Đồ ăn Việt nói chung và món ăn đặc sản Việt nói riêng, trải qua nhiều công đoạn chế biến và thể hiện nét đẹp văn hóa từng vùng miền. Việc trưng bày các mô hình thức ăn giúp cho khách quốc tế khi bước chân vào nhà hàng Việt sẽ biết được nguyên liệu chính, hình thức của món ăn mà họ muốn thưởng thức.

f5a-1738.jpg
Khách hàng tìm hiểu thức ăn mô hình của NK Food Sample. Ảnh: NVCC

Các đơn vị bán mặt hàng gia dụng cũng thường xuyên sử dụng mô hình đồ ăn trưng bày để tôn thêm giá trị của sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hân, nghệ nhân của làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cho hay: “Nhà tôi bán hàng online, các sản phẩm mây tre đan cần các sản phẩm đồ ăn mô hình để trang trí, tôn lên giá trị của sản phẩm. Những khay, giỏ đựng hoa quả, thức ăn khi được đặt các mô hình đồ ăn lên, khách hàng sẽ có cái nhìn trực quan về công dụng của từng sản phẩm mây tre đan”. Bà Nguyễn Thị Hân kỳ vọng, việc kết hợp giữa sản phẩm thủ công truyền thống và mô hình đồ ăn Việt sẽ quảng bá nét đẹp văn hóa và tỏa sáng giá trị Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục