1. Tết của mùa quê một thời trĩu nặng đôi quang gánh của bao phận làng dưới mái tranh xưa. Những người phụ nữ quanh năm gánh đi những biền biệt bán buôn cũng chỉ để cuối năm đưa về một gánh hàng tết cho cháu con hau háu ở nhà chờ đợi.
Bà Nậy đã ngoài chín mươi, nhưng vẫn nhớ gánh hàng của bà với chiếc đòn gánh cong đẹp trên đôi vai thời thiếu nữ. Mười bốn tuổi, bà đã theo mẹ gánh hàng xáo đi khắp vùng miền sơn cước. Mỗi gánh chỉ lời vài ngàn bạc, có khi ế chỉ được mấy chục xu nhưng đó là sự kiếm sống đơn sơ và đức hạnh.
Mẹ bà có những mười lăm lần sinh, nuôi tròn mười hai đứa. Lớn lên đứa nào cũng tập gồng gánh đất đai rồi gồng gánh rau cỏ cho cuộc mưu sinh đời thường. Bà Nậy trưởng thành nhờ đôi quang gánh bán bưng khắp vùng. Lấy chồng cũng từ đôi quang gánh, hồi môn là đôi quang gánh làm ăn hàng quán một đời mẹ bà để lại. Sinh những mười đứa con. Đứa nào biết đi, bà cũng cho đôi quang gánh làm nghề buôn xáo.
Bà Nậy ít chữ, không đọc được, chỉ biết điểm chỉ, nhưng bà hiểu cuộc đời của mẹ bà, của bà ngoại bà nội và tổ tiên của bà đều lớn lên gắn chặt vào quang gánh đất làng. Hồi tưởng những gì in sâu vào các nếp nhăn khuôn mặt, bà nói lương thực thời chiến xưa, ngoài ngựa ngoài voi, thì những luồng bản nhỏ bé đến đường rừng xa ngái đều phải gánh gồng theo lính tráng nuôi binh. Lương thảo thời xưa bà vẫn nhớ chuyện đánh trận của cha ông, vẫn là đôi quang gánh theo binh phu đánh giặc. Thế nên bà vẫn nói, giang san trên đòn gánh của hai vai là vậy.
2. Ngoại tôi thời bao cấp, kiếm sống nuôi đàn con cháu ở mùa làng với chiếc đòn gánh nặng oằn đường cong. Một chiếc đòn gánh đẹp không phải nó luôn mới như chiếc áo tiệm của mùa hiện đại, mà chiếc đòn gánh đẹp nhứt làng là nó cong, đường cong ấy chất đầy độ mềm, dẻo khó tả. Gánh trên đất, bước nào cũng nghe tiếng cọt kẹt, cọt kẹt. Đó là chiếc đòn gánh của xóm làng nhìn vào, của lời tốt khen ra. Chiếc đòn gánh đẹp như thế có nết có na, có đảm đang của một thời quang gánh phủ dày làng xã.
Những mùa lúa mùa khoai thời đó, nhà nào có chiếc đòn gánh thẳng băng, mốc meo để ở ngạch cửa, xem đó như tính tình của khuôn nhà khó mần, siêng chơi, không theo nghiệp làng nên sức đòn gánh thẳng thớm đến biếng nhác, mốc meo. Đức tính làng quê của thời đòn gánh bao phủ khắp nơi được người làng rèn dũa, xem nó như tính người để bảo ban con cháu tính nết lao động.
Thời của mùa quê năm ấy, ngoại đã ngoài bảy mươi vẫn chiếc đòn gánh trĩu trịt những hoa quả ra chợ mùa cuối năm để đưa về cả một mùa tết với củ gừng làm mứt, nếp thơm làm bánh, chuối cúng tổ tiên… Bên thúng kia là mớ vải dệt kim để may cho mấy đứa cháu manh áo thơm lừng mùi vải thô. Có nhà đưa những con chó, lợn con về chợ phố, đổi bán rồi gánh về cả một gánh tết đủ đầy bánh trái. Trong đôi quang gánh đưa tết cho cháu con ấy, còn có hương đăng trà quả dâng tổ tiên, những câu đối đỏ đậm đặc gân cốt chữ nghĩa cung kính, nhà nào có chút đỉnh còn thấy ló dạng bức tranh làng Sình hay khuôn tranh Đông Hồ vang bóng.
Cứ mùa cuối năm, đứa trẻ nào cũng mong tết về trên đòn gánh người già. Bởi trong đôi thúng mủng của đòn gánh đưa đi, lối về ngày giáp tết cho con cháu niềm hy vọng của lát thịt heo nhưỡng mỡ, của cái kẹo cau thơm bột, của chiếc tò he đậm đủ sắc màu rồi cả mớ bánh xoài trong tàu lá chuối xanh. Hay dăm ba thứ đồ chơi nấp dưới đáy thúng mùa xưa.
3. Người làng biển sắm đôi quang gánh để gánh đi những mớ cá từ biển Đông dạt dào sóng vỗ. Vượt vô số mỏm cát mới vào làng ruộng bán cá, trở về làng cát là những vật dụng đời thường mùa bao cấp. Đôi dép gỗ vượt cát là cách sáng tạo của cha ông ngư phu truyền lại. Chiếc đòn gánh họ mua từ vùng lúa thẳng cánh tre làng. Những chiếc đòn gánh của người làng biển được vót cật đặc trưng, bè không to, không nhỏ, đủ để đường cong không bật nặng xuống cát, đủ để làm nhẹ hơn đôi vai gánh cá đường xa.
Mua được đòn gánh của vùng lúa trở về, người làng biển có lễ thắp hương đôi gánh mới. Lễ tục đó không biết từ đâu, nhưng nhiều ngư phủ tuổi xưa còn sống, nói đó là lời xin cầu được gánh gồng nhiều mùa sau, và xin được biển cả cho mùa năng suất, cũng như cầu xin lễ tạ vùng lúa đã có cái dạ sẽ chia công cụ lao động thủ công nhưng hết sức tuyệt vời giữa mênh mông khăn khó.
Mùa cuối năm, người miệt biển cũng gánh tết về làng cát sau các triêng giống đưa đi mớ cá ngon, hay ít nước mắm loại nhứt. Đường tết trở về trên đòn gánh hai vai bao giờ cũng có chai rượu trắng để những lão ngư ở nhà cúng vái gia tiên.
Nay đã khác mùa xưa, những chiếc đòn gánh dần dà vào ký ức. Những người xưa xa đã thân già vắng tiếng, những chiếc đòn gánh cũng im bặt tiếng trĩu trịt một thời. Không biết ai còn nhớ tiếng đòn gánh đưa tết về thôn.
Minh Phong