Ngày 9-9, nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có chuyến thực tế tại rừng dừa nước Cà Ninh. PV Báo SGGP đã thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với 2 nhà nghiên cứu gồm PGS.TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và KTS Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, phụ trách miền Trung và Tây Nguyên (Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).
PGS.TS Võ Văn Minh: Rừng dừa nước ở xã Bình Phước là một hệ sinh thái đặc biệt, có vai trò rất quan trọng cần được giữ gìn. Hệ sinh thái đất ngập nước có độ đa dạng sinh học cao. Hệ sinh thái rừng dừa nước xã Bình Phước mang đặc trưng chuyển tiếp quan trọng của hệ sinh thái cửa sông-nơi giao thoa giữa hệ sinh thái biển và hệ sinh thái nước ngọt, trên cạn, dưới nước. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương chặt bỏ 50ha dừa nước và thực hiện trồng lại thì không thể gọi là phục hồi. Việc trồng mới chỉ gọi là tồn tại, chưa thể gọi là phát triển. Một hệ sinh thái phải mất hàng trăm năm mới hình thành được, do vậy, việc giữ rừng dừa nước quan trọng hơn là trồng mới.
Chúng tôi đã thực hiện chuyến đi thực tế tại khu vực trồng mới rừng dừa nước phía trên khu vực rừng dừa Cà Ninh với diện tích gần 38ha. Tuy nhiên, rừng này vẫn chưa phát triển, nếu tích nước làm hồ thì diện tích dừa nước này sẽ chết, gây lãng phí tài nguyên.
PGS.TS Võ Văn Minh: Về mặt pháp lý, đến bây giờ vẫn chưa có điều nào chứng minh rằng đây là rừng trồng, bởi lẽ, việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho dân vẫn được Nhà nước thực hiện. Sinh kế của người dân ở đây không chỉ có người trực tiếp sở hữu mà còn sinh kế của người đánh bắt cá dọc rừng dừa. Một khi rừng dừa nước bị chặt bỏ thì người dân không đánh bắt được cá, thậm chí nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ một khi bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái sẽ dẫn đến cạn kiệt, ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt cá gần bờ. Như vậy, sẽ có một khu vực và lượng lớn người dân bị ảnh hưởng.
Người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt là họ nhận tiền đền bù cao hơn so với ngày công lao động làm dừa nước, nên nhiều người đã đồng ý chấp nhận giao rừng. Tuy nhiên, trên cương vị là chính quyền, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chúng ta phải nghĩ cho người dân, nhìn xa hơn cho thế hệ mai sau.
KTS Hồ Duy Diệm: Hơn 55 năm trước, tôi từng được tham gia xử lý nước thải Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, tỉnh Thái Nguyên, phục vụ Chiến khu Việt Bắc. Nhà máy này đã làm 1 hồ nước để ngâm cây nứa, họ dùng chất NaOH, loại dùng trong ngành công nghiệp giấy… để cây nứa mục ra rồi mới làm thành bột giấy. Thời điểm này đã gây ô nhiễm Sông Cầu. Bấy giờ, chỉ còn một cách là dùng axít trung hòa nước thải ra nhưng hồi đó làm không được, vì axít phải vận chuyển từ Việt Trì qua Thái Nguyên, vòng qua núi, nhà máy không đủ tiền. Xác định là nhà máy phục vụ cho cả kháng chiến chống Pháp và về sau này nên dù nhà máy đã giảm công suất, đưa thiết bị hiện đại về để giảm thời gian ngâm nhưng rất khó xử lý triệt để.
Tôi đã nhiều lần đến rừng Sác, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ở đây, rừng dừa nước hàng ngàn hecta, ghi dấu những chiến công lừng lẫy. Điều quan trọng là ngay khi xây dựng nông thôn mới, đô thị mới, người ta vẫn không chặt bỏ nó, vẫn giữ gìn hệ sinh thái. Nó trở thành lá phổi xanh của cả TPHCM.
KTS Hồ Duy Diệm: Trước hết, rừng dừa nước có giá trị sinh thái, giá trị phòng hộ rất lớn, ảnh hưởng cả vùng ven biển gần bờ, nguồn lợi thủy sản. Chúng ta cần bảo vệ lưu vực và bảo vệ đa dạng sinh học. Vì tính nhân văn, vì hệ sinh thái đã tồn tại hàng trăm năm, chúng ta không nên gây tổn thương đối với rừng dừa và cuộc sống người dân nơi đây và cả thế hệ mai sau.