Một quạt tản nhiệt nhỏ gắn trong máy chưa đủ làm mát laptop. Do vậy, bất kỳ laptop nào, chỉ cần làm việc liên tục khoảng vài giờ đồng hồ, sẽ nóng phừng phừng. Giúp nâng cao hiệu suất làm việc, tăng tuổi thọ cho máy, nhiều quạt tản nhiệt (đế tản nhiệt) được sản xuất hàng loạt cung cấp cho thị trường.
Máy tính “chết” vì nóng
Theo anh Mai Văn Dũng, kỹ sư điện tử (chủ cửa hàng phụ kiện máy tính tại quận 11 - TPHCM) cho biết laptop làm việc liên tục sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn làm nóng máy, nhất là các dòng máy chuyên dụng chơi game, làm đồ họa (nhiệt độ có thể lên tới 55°C nếu hoạt động liên tục 10 phút trở lên). Hầu hết các dòng máy trên thị trường hiện nay dùng CPU Core 2 Due trở lên, công nghệ 45 nm, khi máy làm việc từ 10-15 phút trở lên thì nhiệt độ từ 30-40°C. Ngược lại, các dòng máy cũ dùng công nghệ cũ nên cực kỳ hao tốn điện năng, làm nhiệt độ tăng cao. Nếu không làm mát kịp thời, laptop sẽ hoạt động chậm chạp, card màn hình, bộ nhớ máy… xuống dốc thê thảm, tuổi thọ máy tính theo đó bị giảm sút.
Trên thực tế, nhiều khách hàng thường khiếu nại với các trung tâm bảo hành của siêu thị điện tử, điện máy về lý do nóng máy. Thậm chí, nhiều máy tính bỏ lại các trung tâm bảo hành này vì sửa chữa card màn hình nhiều lần nhưng không hiệu quả. “Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc bảo dưỡng máy không đúng quy cách, chứ không hẳn do chất lượng máy tồi” – anh Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, chủ cửa hàng máy tính xách tay trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp - TPHCM), cho biết các mặt hàng tản nhiệt hút mạnh vào mùa nóng. Từ đầu năm tới nay, cửa hàng ông Tỵ đã bán được hàng trăm chiếc đế tản nhiệt loại từ 200.000 -300.000 đồng/chiếc. Một người sở hữu 2-3 chiếc tản nhiệt là điều bình thường.
Chị Phương Lan, nhân viên Ngân hàng ACB (quận 3), cho biết: “Tôi có 3 chiếc đế tản nhiệt nhưng chỉ dùng thường xuyên chiếc đế nhôm. Rút kinh nghiệm máy hỏng card màn hình do nóng quá, tôi mua nhiều để dùng luân phiên. Đề phòng trường hợp hỏng đế này, còn đế khác”.
Chọn quạt sao cho chuẩn
Thị trường hiện có đủ loại “thượng vàng hạ cám” đế tản nhiệt, giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Muốn chọn hàng rẻ tiền, chất liệu nhựa, người dùng có thể mua các dòng xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc…, chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/chiếc. Cao cấp hơn, có hàng Nhật Bản, Mỹ…, chất liệu nhôm;, giá khoảng 1-2 triệu đồng/chiếc. Đế nhôm có ưu điểm dày, chắc chắn, bền đẹp, do vậy nhiều người thích. Thông thường, các loại đế chất lượng tốt thường có quạt tản nhiệt chạy ổn định, lượng gió mạnh đủ làm mát laptop. Một số thương hiệu phổ biến, có tên tuổi như: Cooler Master, Colorvis, Targus…
Khách hàng cũng nên lưu ý tới tính năng động, tiện lợi trong quá trình di chuyển khi chọn đế tản nhiệt. Nếu muốn gọn nhẹ, người dùng chọn sản phẩm có thể gấp gọn, giá từ 300.000 - 400.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, tùy thuộc màn hình 14, 15 hay 17 inch mà mua đế có kích cỡ nhỏ, vừa hay lớn. Đặc biệt, người dùng nhất thiết cần chọn đế nghiêng vừa một góc 10-15 độ để gõ bàn phím nhẹ nhàng, thoải mái.
Bạn Hoàng Minh Kháng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa TPHCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Thông thường, quạt tản nhiệt được gắn cố định phía rìa trái, hoặc rìa phải của laptop. Do vậy, quan sát quạt tản nhiệt để biết cách chọn mua đế tản nhiệt là rất cần thiết”. Ngoài ra, vẫn có các trường hợp ngoại lệ khiến máy nóng rần như: một số lỗ thông hơi phía dưới máy (nằm ở vị trí khuất, khó tìm) “âm thầm” phát nhiệt. Với trường hợp này, người dùng lưu ý để chọn mua đế tản nhiệt đủ rộng, nhiều rãnh để có thể vừa tản nhiệt lỗ thông hơi, vừa hỗ trợ làm mát toàn bộ máy...
Với kinh nghiệm bán hàng lâu năm tại một siêu thị điện máy, anh Mai Quốc (ngụ tại Nguyễn Văn Cừ, quận 1 - TPHCM) khuyên laptop mini chỉ nên dùng quạt đế tản loại nhỏ, riêng những máy lớn, làm việc liên tục (chơi game, đồ họa), tốt nhất chọn mua đế tản từ 2-3 cánh tản nhiệt. Sản phẩm chất liệu nhôm lạnh tốt hơn hẳn các loại đế nhựa bình thường.
Văn Trung