Nhưng hiện tuyến đường này đang quá tải, đòi hỏi phải có các giải pháp cấp bách, lâu dài, nhất là khi dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ khởi công vào cuối năm 2020.
Ùn tắc như cơm bữa
Những ai thường xuyên qua lại trên QL51 đã quen với cảnh ùn tắc xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là từ khi tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vận hành, thu hút một lượng lớn xe cộ lưu thông.
Số liệu của Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đơn vị vận hành, quản lý dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường QL51) cho thấy: Lưu lượng xe qua trạm thu phí T2 trong tháng 8-2019 là 40.176 lượt/ngày đêm, gấp khoảng 4 lần công suất thiết kế.
Lượng xe qua 2 trạm T1, T3 dù có thấp hơn (lần lượt là 27.203 và 22.588 lượt/ngày đêm), nhưng cũng đã gấp hơn 2 lần công suất. Do đó, tình trạng kẹt xe, ùn tắc diễn ra thường xuyên hơn.
Nếu trước đây tình trạng này chỉ diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật thì nay ùn tắc cả trong ngày thường và không có giờ giấc cố định. Chỉ cần một sự cố xe tải, xe container chết máy trên đường, hoặc có vụ tai nạn xảy ra là dẫn đến ùn tắc cục bộ, kéo dài.
QL51 “oằn mình” vì quá tải đã đặt chủ đầu tư vào tình thế rất khó khăn khi đường sá xuống cấp nhanh chóng: phải tốn thêm chi phí bảo trì, nâng cấp đường, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của dự án. Đồng thời việc quá tải cũng tác động tiêu cực đến môi trường (do lượng khí thải của xe cộ), làm tăng chi phí của doanh nghiệp và gây tâm lý bất bình trong người dân sống dọc hai bên tuyến đường.
Giải pháp trước mắt
Việc kẹt xe, ùn tắc ở QL51 ngoài nguyên nhân do lưu lượng xe tăng quá nhanh còn do nạn kẹt xe, ùn tắc ở nhiều nút giao với QL51. Tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao tại các khu vực thường xảy ra ùn tắc để giảm áp lực kẹt xe trên tuyến.
Trong đó, UBND tỉnh đề nghị VEC lắp đặt thêm biển báo cấm dừng đón/trả khách; gắn camera bổ sung tại vị trí nút giao tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành với QL51; nghiên cứu đề xuất giải pháp làm hầm chui khi cải tạo nút giao với QL51 (thuộc huyện Long Thành) để giảm thiểu tình trạng ùn tắc xe cộ tại đây vào các ngày cuối tuần.
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khẩn trương chọn đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức giao thông tối ưu hơn để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu; báo cáo Bộ GTVT cho phép đầu tư, cải tạo nút giao QL51 với đường Châu Văn Lồng và Nguyễn Văn Tỏ bằng cầu vượt bằng bê tông cốt thép cho 6 làn xe; đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giao Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật theo hướng mở rộng 2 làn đường từ hướng tỉnh lộ 25B đi ra QL51, trong đó một làn bên tay phải được đi liên tục.
Theo các chuyên gia giao thông, với lưu lượng xe cộ tăng cao như thời gian qua, để giảm thiểu tối đa nguyên nhân gây ùn tắc cục bộ ở các nút giao với QL51, giải pháp tối ưu vẫn là xây dựng các nút giao khác mức, như hầm chui hay cầu vượt nhiều tầng, đặc biệt là ở các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc như ngã tư Vũng Tàu, nút giao tỉnh lộ 25B với QL51, ngã tư QL51 với đường vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Trong khi chờ đợi các giải pháp thiết thực, hiệu quả thì công suất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn đang tăng lên cùng dự án sân bay quốc tế Long Thành được khởi công, sẽ tạo thêm áp lực quá tải và làm cho QL51 tiếp tục là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, để giải quyết triệt để tình trạng quá tải gây ùn tắc trên QL51, Bộ GTVT cần ưu tiên triển khai xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 mặt đường cao tốc TPHCM - Long Thành và cần sớm xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. |