Quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng thực ra là… quá muộn

Thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về can thiệp sớm vào các tổ chức tín dụng (TCTD) như dự thảo là quá… muộn. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật này vào đầu tuần tới, ngày 5-6.

Tại dự thảo luật, trong 6 trường hợp áp dụng can thiệp sớm, ngoại trừ trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 3 trường hợp TCTD vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.

Đó là: không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 6 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Ủy ban Kinh tế cho rằng việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý TCTD đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng các yếu tố kích hoạt can thiệp sớm tại Điều 144 là quá muộn để có thể hỗ trợ”, báo cáo nêu rõ.

Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ của từng TCTD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa đánh giá thực trạng thực hiện giám sát tăng cường, những khó khăn, bất cập khi thực hiện biện pháp này để đề xuất đưa vào dự thảo luật; cũng chưa đánh giá, làm rõ được sự tương quan giữa các biện pháp từ giám sát tăng cường đến can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt dẫn đến không làm rõ được bản chất của việc “can thiệp sớm” để có những biện pháp, công cụ tương ứng phù hợp - cơ quan thẩm tra nhận định.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn, theo hướng luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc “can thiệp sớm”, không chuyển các trường hợp kiểm soát đặc biệt thành trường hợp can thiệp sớm. Điều chỉnh theo hướng như vậy cũng sẽ tương thích với các biện pháp can thiệp sớm quy định tại Điều 145 dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của TCTD cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp như trên. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Các TCTD, thực tiễn thời gian qua, đã có một số trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có thể xem xét, đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi đánh giá mức độ tác động, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống ngân hàng, NHNN thực hiện giám sát các TCTD theo quy chế giám sát tăng cường với các nội dung giám sát tương tự như giám sát đặc biệt.

Báo cáo cũng chỉ ra “việc áp dụng quy chế giám sát tăng cường đối với các trường hợp này hiện nay chỉ là đặc thù, riêng lẻ, cần được quy định cụ thể hơn trong Luật Các TCTD để áp dụng chung cho tất cả các trường hợp phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, an toàn, an ninh tiền tệ”.

Ngoài ra, đề nghị làm rõ sự tương quan giữa 2 trường hợp thuộc điểm đ (có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN) và điểm e khoản 1 (Bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN), bởi trường hợp quy định tại điểm e là tình trạng mất khả năng chi trả, thậm chí nghiêm trọng hơn trường hợp tại điểm đ.

Tuy nhiên, dự thảo luật hiện nay thiết kế đối với trường hợp quy định tại điểm đ thì xây dựng phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt (từ Điều 153 đến Điều 155); trường hợp quy định tại điểm e thì xây dựng phương án khắc phục trong khi tại chính nội dung quy định tại điểm e nêu rõ TCTD không tự khắc phục được.

“Đề nghị rà soát lại quy định về nội dung, các biện pháp xử lý đối với 2 trường hợp này, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và tương ứng với từng mức độ. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ TCTD bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực”, cơ quan thẩm tra kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục