Quy định giữ trẻ ngoài giờ gặp khó

Cách đây hơn một tháng, vào ngày 17-8-2016, UBND TPHCM đã có Quyết định số 4243/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TPHCM từ năm 2016-2020”.
Quy định giữ trẻ ngoài giờ gặp khó

Cách đây hơn một tháng, vào ngày 17-8-2016, UBND TPHCM đã có Quyết định số 4243/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn TPHCM từ năm 2016-2020”.

Quy định giữ trẻ ngoài giờ gặp khó ảnh 1

Một lớp giữ trẻ ngoài giờ tại Thủ Đức TPHCM. Ảnh: T.L

Theo đó, các quận, huyện sẽ triển khai thí điểm giữ trẻ đến 17 giờ 30 (thay cho 16 giờ như trước đây) và giữ trẻ cả ngày thứ bảy. Hành lang pháp lý đã có, năm học 2016-2017 đã qua hơn 3 tuần lễ, nhưng đến nay, nhiều địa phương cho biết chưa thể thực hiện do phải chờ văn bản hướng dẫn của liên Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Tài chính về quy định kinh phí tổ chức hoạt động ngoài giờ tại các trường mầm non.

Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP với UBND quận Bình Tân về thực hiện Nghị quyết 01/2014 hỗ trợ giáo dục mầm non, ông Phạm Huy Thông, Phó ban Quản lý Các khu chế xuất  và công nghiệp TP, cho biết quận Bình Tân sẽ thí điểm giữ trẻ ngoài giờ tại Trường Mầm non 30/4, gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Bước đầu, khi cho triển khai đăng ký, có 160 trường hợp phụ huynh ghi tên vào danh sách giữ trẻ ngoài giờ. Song đến nay, chỉ còn 55 trẻ được phụ huynh gửi đến 17 giờ 30, các trường hợp còn lại gia đình đều tự sắp xếp đưa đón. Ông Thông đặt câu hỏi: “Vì sao số lượng đăng ký ban đầu rất đông nhưng khi nhập học chỉ còn 1/3 số đó? Phải chăng do chi phí giữ trẻ ngoài giờ hiện nay chưa rõ ràng khiến công nhân ngại chưa dám gửi con?”. 

 Minh chứng rõ hơn điều này, phó phòng GD-ĐT một quận vùng ven cho biết, trước đây khi chưa có kế hoạch thí điểm giữ trẻ ngoài giờ của UBND TP, một số trường học đã tự xé rào triển khai giữ trẻ ngoài giờ trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh. Học phí thu thêm dao động trong khoản 200.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, có nơi duy trì trong suốt năm học với sĩ số học sinh ổn định, có nơi chỉ mở lớp ngoài giờ được vài tháng rồi đóng cửa do nhu cầu phụ huynh sụt giảm, lớp học không đủ sĩ số tối thiểu…  

Để giải bài toán chi phí giữ trẻ ngoài giờ, ông Phạm Huy Thông cho biết hiện nay Sở Tài chính đang làm việc với các sở, ngành để tìm ra chính sách chi trả học phí phù hợp. Theo đó, có hai phương án đang được sở này đưa ra, gồm: ngân sách hỗ trợ 50% phí giữ trẻ ngoài giờ, 50% còn lại do người dân và doanh nghiệp đồng chi trả; phương án thứ hai là ngân sách hỗ trợ 100% phí giữ trẻ. Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Lao động, người lao động không làm việc quá 8 giờ/ngày, riêng giáo viên mầm non tổng số giờ làm phụ trội không được quá 200 giờ/năm. “Ngân sách TP không thể trả lương đối với những giờ làm trái quy định của Luật Lao động. Do đó hiện nay, chúng tôi đã đề nghị Sở GD-ĐT có buổi làm việc với Sở Tư pháp nhằm tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý”, một chuyên viên Sở Tài chính cho biết.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết, đây là vấn đề mang tính đặc thù của những TP lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động như TPHCM. Do đó, khi vướng các quy định pháp lý chung của cả nước, TP sẽ chủ động tìm cách tháo gỡ để đáp ứng tối đa nhu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục