"Quyền anh, quyền tôi” trong lĩnh vực viễn thông

Liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) góp ý về kết nối, chia sẻ hạ tầng viễn thông nhằm khắc phục tình trạng "quyền anh, quyền tôi". ĐB đề nghị dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về những trường hợp kết nối, chia sẻ hạ tầng viễn thông.

Ngày 22-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Xóa độc quyền

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị việc kinh doanh hạ tầng kỹ thuật viễn thông cần được bổ sung vào hình thức kinh doanh viễn thông. Thực tế đã có sự mở rộng về chủ thể đầu tư hạ tầng viễn thông thụ động, không chỉ là doanh nghiệp viễn thông mà bao gồm các tổ chức, cá nhân khác.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đây là xu hướng phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật được thuê lại từ các đơn vị cung cấp khác để phục vụ việc phát triển hoạt động kinh doanh trên các nền tảng viễn thông. ĐB đề nghị, nội dung này cần được luật hoá để quản lý chặt chẽ.

Theo ĐB, cử tri cho biết có doanh nghiệp nắm giữ cơ sở hạ tầng viễn thông chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khác tham gia sử dụng chung hoặc quy định mức giá cao hơn nhiều lần so với đơn giá được khuyến khích áp dụng. "Điều này dễ xuất hiện tình trạng độc quyền", ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Từ đó, ĐB kiến nghị bổ sung trong dự thảo luật để quản lý chặt chẽ hệ thống công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung nhằm thúc đẩy phát triển đồng bộ lĩnh vực này.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông được Bộ TT-TT cấp phép có phạm vi hoạt động liên tỉnh hoặc toàn quốc nhưng lại chưa có quy định chặt chẽ, ràng buộc doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ tại các tỉnh, thành phố khác.

Trước thực tế này, ĐB kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện cấp phép và hoạt động khi thiết lập hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

Theo đó, cần quy định doanh nghiệp kinh doanh hoạt động viễn thông trên phạm vi rộng khi triển khai các dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương khác nhau phải có văn phòng hoặc người đại diện và cán bộ kỹ thuật.

Điều này theo ĐB là để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại địa phương.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ngày 22-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) góp ý về kết nối, chia sẻ hạ tầng viễn thông nhằm khắc phục tình trạng "quyền anh, quyền tôi". ĐB đề nghị dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về những trường hợp kết nối, chia sẻ hạ tầng viễn thông.

Cùng góp ý vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, dự thảo luật cần quy định bắt buộc phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Đồng thời, cần có chính sách phù hợp đối với nhiệm vụ chia sẻ hạ tầng viễn thông. Đối với hạ tầng viễn thông do các tập đoàn, các doanh nghiệp đầu tư khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chia sẻ cần có chính sách ưu đãi về tài chính, thuế cho doanh nghiệp…

SIM rác "khủng bố" người dân

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) góp ý về quy định cấp thu trộm, nghe trộm, xem trộm... thông tin cá nhân trên viễn thông.

ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo luật bổ sung thêm các hành vi tương tự, kể cả trường hợp sao chép trộm...

ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

Về quyền và nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị bổ sung quy định được phép kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Điều này giúp chuẩn hóa thông tin thuê bao phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Qua đó khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh để "khủng bố" khách hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, ĐB cũng đề nghị không cung cấp dịch vụ viễn thông có giá cước thấp hơn giá thành trừ những trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế để đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ĐB, thời gian qua cử tri phản ánh nhiều lần về tình trạng dây cáp viễn thông, truyền hình cáp, internet bố trí trên các tuyến đường mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo ĐB, nguyên nhân chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ này thiếu trách nhiệm, không thu hồi dây cáp không còn sử dụng, việc thi công không đảm bảo mỹ quan đô thị.

ĐB đề nghị cần có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông thu hồi các công trình viễn thông, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông khi không còn sử dụng.

Đồng thời có chế tài để quản lý nghiêm những trường hợp doanh nghiệp viễn thông lắp đặt không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo mỹ quan đô thị…

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, ĐB Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) đề nghị cơ quan soạn thảo luật cân nhắc không tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, để tránh gây lãng phí nguồn lực.

Theo ĐB, hiệu quả hoạt động của quỹ là hạn chế, trong khi việc duy trì hoạt động của quỹ còn nhiều bất cập. Tồn dư quỹ giai đoạn 2016-2022 lên đến 5.427 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục