Khai thác nguồn lực từ đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên internet

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu, rà soát hoàn thiện nội dung về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực này.

Sáng 2-6, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Viễn thông hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, trong xu thế chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, là đầu vào mới của sản xuất và cần có chính sách, quy định để quản lý.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Mặt khác, sự hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin và gần đây là hội tụ với công nghệ số đã làm mờ đi ranh giới giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đặt ra những khó khăn về xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Ngày nay, trên internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông (bao gồm cả những dịch vụ viễn thông cơ bản), thậm chí có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Điều này đặt ra bài toán về quản lý các dịch vụ viễn thông trên Internet, quản lý dịch vụ viễn thông xuyên biên giới.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ủy ban tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo luật đối với những nội dung mở rộng, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Ý kiến khác cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật làm tăng chi phí tuân thủ, ảnh hưởng đến những lợi ích đối với nền kinh tế, giảm sức hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước; phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, việc quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh. Hầu hết ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp.

Đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc sáng 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc sáng 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Đồng thời cân nhắc chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet đã được quy định tại Luật Viễn thông hiện hành và Quyết định số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, dự luật chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, những vấn đề cụ thể có thể dẫn chiếu đến quy định của Luật Đấu giá tài sản hoặc giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT-TT quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện nội dung về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên internet, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực này.

Tin cùng chuyên mục