Ranh giới giữa thương và hại

Thời hiện đại, gia đình nào cũng chỉ có từ một đến hai con và cha mẹ nào cũng dành tình yêu thương vô hạn cho những “cục cưng” của mình. Ngay từ nhỏ, các em đã được cha mẹ làm giùm mọi việc, vì thế lớn lên không thể sống tự lập, không biết làm việc gì.

Thậm chí ở những lớp nhỏ, các em còn không tự tay cầm chiếc cặp khi đi học. Vì các con là tài sản quý hiếm nên nhiều bậc cha mẹ không chỉ cưng chiều, lo lắng thái quá mà còn khoác lên chúng nỗi lo sợ ra đường, tiếp cận xã hội sẽ không an toàn. Vì sống trong vỏ bọc, sự giám sát khắt khe của cha mẹ, không được cọ xát, trải nghiệm cuộc sống, những đứa trẻ này không được trang bị kỹ năng đối phó, giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Vì không có sức đề kháng và bị “tước quyền tự do” - được làm những gì mình thích, những đứa trẻ này thường trở nên thụ động, sống ỉ lại, không có ý chí học tập, phấn đấu vươn lên.

Chẳng những thế, các em còn bị khiếm khuyết về tâm hồn, không biết chia sẻ, không biết hy sinh và xem nhẹ sự hiếu thảo, báo đáp công lao của cha mẹ. Không ít chuyên gia giáo dục và xã hội đã cảnh báo hệ lụy cưng chiều con cái quá mức ở một số gia đình quyền lực, giàu có đang giết chết tương lai của giới trẻ. Trong điều kiện dư dả, không thiếu thứ gì, trẻ chỉ quen hưởng thụ và không biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Quen sống đầy đủ, trẻ không biết sẻ chia, cảm nhận cuộc sống xung quanh còn nhiều thiếu thốn và những mảnh đời, thân phận nghèo khó chỉ ao ước có áo đủ ấm, bữa cơm tươm tất…

Như thế, từ ranh giới thương yêu, chiều chuộng con cái đến hại con rất gần. Có bao nhiêu bậc cha mẹ nhận ra điều này và biết điều chỉnh kịp thời. Nhiều câu chuyện, nhiều bi hài kịch đã xảy ra và chỉ khi nhìn thấy “sản phẩm giáo dục” của mình có lỗi, thậm chí phạm pháp, cha mẹ mới giật mình, ngậm ngùi rơi lệ. Những câu nói muộn màng “giá như chúng tôi đừng nuông chiều con cái thì có lẽ… nó không hư hỏng như bây giờ” đã từng vang lên ở những phiên tòa và đó mãi là bài học đắt giá cho các bậc cha mẹ.

Không thể phủ nhận xã hội thời hiện đại đầy thách thức, có nhiều điều bất an, thiếu an toàn hơn trước. Thế nhưng thay vì “úm con”, sợ con bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, chúng ta-người lớn hãy giúp giới trẻ trang bị kỹ năng sống, ứng phó linh hoạt với những điều phát sinh, sự cố trong cuộc sống. Muốn thế, mỗi ông bố, bà mẹ hãy là người thầy tốt, dìu dắt, nâng đỡ từng bước chân con trẻ để con trưởng thành dần dần. Đừng sợ con mình ngã đau hay vấp té mà hãy khuyến khích con tự đứng lên trên đôi chân với cái đầu tỉnh táo, biết cách xử lý các vấn đề đặt ra một cách thông minh.

Bạn sẽ không thể theo con suốt cuộc đời và không thể làm “giá đỡ” cho con mọi lúc mọi nơi. Mỗi trải nghiệm, mỗi cọ xát thực tế sẽ giúp con hiểu rõ mình thiếu gì, cần bổ sung kỹ năng gì để thích ứng. Vì thế, hãy để con của bạn sống tự do, tự tin hội nhập môi trường sống hiện đại nhiều thử thách. Con sẽ tự hoàn thiện, tự chắp cánh để có thể bay xa, bay cao khi có ước mơ, hoài bão riêng. Điều quan trọng là cha mẹ dám thả con mình để con tập bay và sẽ bay vào bầu trời tương lai đang mở ra phía trước…

Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục