Rẫy… chung

Thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang (Gia Lai) có 313 hộ dân tộc Ba Na, Ja Rai sinh sống, tập trung tại bốn làng Dktu, Zen, Dkôk và Dhoa. Mấy năm trước cứ đến mùa giáp hạt là có nhiều nhà đói. Thương đồng bào, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện đã cùng với các già làng làm một cái rẫy. Những hạt gạo tình thương ra đời từ đây... Hiện tại, trong bốn làng đã có hơn 40 nhà được mượn hơn 2.000kg lúa.

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng làng Dktu, Già Chênh cho biết: “Đây là nhà Hlol, nhà Scró, nhà Sran... có 11 nhà trong làng thường xuyên thiếu ăn mấy tháng giáp hạt. Mình nghĩ ra cách làm rẫy chung rồi cho mượn lúa, khi nào vô mùa thì trả lại, năm nay không trả nổi thì năm sau...”.

Đến nhà anh Tuôil (làng Dktu, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, Gia Lai). Ba đứa trẻ con anh Tuôil dong dỏng và tô đậm một màu đỏ của đất khắp cơ thể, nhìn thấy người lạ là chúng nháo nhào bỏ chạy. “Mấy năm trước, cứ đến mùa này là cả nhà đói. Nhưng năm nay thì hết đói rồi, già làng đây vừa cho mình mượn nhiều ký lúa nên cả nhà không bị đói. Đến mùa gặt, mình sẽ trả lại đủ” - anh Tuôil nói và cười rất vui.

Đã năm mùa mưa nắng trôi qua, năng suất lúa cứ tăng dần, đến nay thì trừ chi phí sản xuất (chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật), mỗi mùa, 8 sào ruộng chung ấy mang về cho làng từ 1,9-2,3 tấn lúa. Ai thiếu ăn đều được mượn. Khi thu lúa lại, bán đi một phần lấy tiền làm quỹ sinh hoạt hội, chăm lo, hỗ trợ các gia đình CCB, còn lại một phần dự phòng chi phí cứu đói, sửa chữa nhà cho bà con vào mùa mưa lũ bất thường cho cả bốn làng.

“Từ khi có rẫy chung, anh em CCB dân tộc Ba Na, Ja Rai mình vui lắm. Người ta khen cái ruộng  tình nghĩa nên mình ưng cái bụng lắm...” - Djrê, già làng Dkôk, nói.

Gặp chúng tôi, không giấu được niềm vui, anh Ní, chi hội trưởng Chi hội CCB 7 của hai làng Dktu và Zen, khoe: “Phong trào hạt gạo tình thương ở địa phương mình lúc mới ra đời, nhiều người cho rằng không hiệu quả, vì cái đầu của dân làng và của CCB chưa quen làm tập thể.

Nhưng bọn mình đã quyết tâm thực hiện, phân công cụ thể việc làm từng người một, ai đến muộn ghi lại cuối mùa trừ lúa, ai bỏ việc thì phạt…cứ vậy anh em động viên bảo ban nhau làm. Nay thì được rồi, hạt lúa hai lần “nở”, năm sau nhiều hơn năm trước, anh em CCB thay nhau mượn, trong đó ưu tiên cho số thiếu đói trước nên ai cũng được cái bụng và đều tự giác”.

Hôm Trung tướng Đặng Quân Thụy, Chủ tịch Hội CCB trung ương, đến tham quan rẫy chung và khi nghe được câu chuyện về cách làm của các già làng, trưởng bản và các CCB, trung tướng vui lắm. Ông đã đề nghị nhân rộng cách làm này ra khắp các chi hội CCB trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Ái Hàn
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục