ROC quyết lấy lại tên cho thể thao Nga

Dưới màu cờ Olympic và tên gọi ROC - viết tắt của cụm từ “Ủy ban Olympic Nga”, đoàn vận động viên (VĐV) Nga tự hào khi đang hiện diện và thống trị đáng kể ở Thế vận hội Tokyo. Tính đến hết ngày 27-7, đoàn thể thao Nga tạm xếp thứ 4 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo với 7 HCV, 7 HCB và 4 HCĐ, sau đội chủ nhà Nhật Bản và 2 cường quốc lần lượt tiếp theo là Trung Quốc, Mỹ.

Niềm an ủi 

Lệnh cấm vận đối với thể thao Nga bắt nguồn từ vụ bê bối với hàng loạt VĐV sử dụng chất cấm bị phanh phui từ năm 2015 đã khiến thể thao Nga bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm tham dự các sự kiện thể thao trên toàn cầu trong vòng 4 năm, tính từ năm 2018. Tuy nhiên, đến tháng 12-2020, án phạt này được Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) giảm xuống còn 2 năm.

CAS cũng giảm bớt một số hạn chế đối với VĐV Nga tham dự Olympic mà Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) đề xuất. IOC cũng có phần nới lỏng và đã cho phép các VĐV trong sạch của Nga được thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 nhưng dưới danh nghĩa trung lập.

Tại Olympic Tokyo 2020, có tổng cộng 333 VĐV Nga tham dự với tên gọi ROC - tên gọi của một đoàn thể thao trung lập. ROC chỉ được phép dùng lá cờ của đoàn thể thao mang biểu tượng 5 vòng tròn truyền thống của Olympic với màu sắc tượng trưng cho quốc kỳ Nga, không được phép sử dụng cờ của đoàn thể thao xứ sở bạch dương.

ROC quyết lấy lại tên cho thể thao Nga ảnh 1 Lần đầu tiên xuất hiện tại thế vận hội có một đoàn thể thao khá lạ mang tên ROC, gồm toàn các VĐV đến từ Nga

Các VĐV Nga phải tuân thủ quy định chặt chẽ trong thời gian tham gia là cấm mọi hành động, hành vi công khai liên quan đến quốc kỳ, quốc ca và các biểu tượng, biểu trưng của quốc gia. Các VĐV Nga mang trang phục in biểu tượng hình ngọn lửa được nối liền bởi sọc đỏ và xanh (khá giống quốc kỳ Nga), quốc kỳ và quốc ca Nga sẽ không xuất hiện khi họ giành HCV và được thay bằng một bản nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại Pyotr Tchaikovsky.

Quốc kỳ và quốc ca là những yếu tố lên dây cót tinh thần thi đấu mạnh mẽ nhất cho bất kỳ VĐV nào. Tuy nhiên, theo giới quan sát, mặc dù VĐV Nga sẽ phải thi đấu mà thiếu đi những yếu tố này, nhưng ít có dấu hiệu cho thấy các VĐV Nga đại diện cho một đất nước bị cấm vận. Khi các VĐV Nga diễu hành trong lễ khai mạc, tên nước Nga được hô vang bằng 3 thứ tiếng Anh, Nhật Bản và Pháp. 

Thể thao Nga nỗ lực hồi sinh trong sạch

Ngay sau lễ khai mạc, các VĐV Nga tham gia tranh tài ở hàng loạt môn thể thao thế mạnh như: vật, bắn cung, lặn, đấu kiếm và thể dục dụng cụ. Báo India Express ngày 28-7 bình luận: “Ở Olympic Tokyo 2021, Mỹ đã bị đoàn thể thao ROC giành mất HCV Olympic môn thể dục dụng cụ, nội dung đồng đội đầu tiên của thể thao Nga sau 30 năm chờ đợi”.

ROC quyết lấy lại tên cho thể thao Nga ảnh 2 ROC giành HCV môn thể dục dụng cụ

Đoàn Mỹ từng được kỳ vọng sẽ giành danh hiệu thể dục dụng cụ đồng đội lần thứ ba liên tiếp tại thế vận hội, nhưng sự kiện này đã làm dấy lên những đồn đoán rằng, triều đại thể dục dụng cụ đồng đội của người Mỹ đang gặp nguy hiểm và đã giúp những người Nga hồi sinh, tỏa sáng. 

Bên cạnh đó, ngay trong khi bị cấm vận, Nga vẫn gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao. Lãnh đạo 3 liên đoàn thế giới của các bộ môn Olympic mùa hè gồm bắn súng, boxing và đấu kiếm là người Nga. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử.

Theo phân tích của công ty dữ liệu thể thao Gracenote trước đó, các VĐV Nga tuy không được mang quốc kỳ tại thế vận hội lần này, nhưng họ vẫn được đánh giá rất cao với vị trí thứ ba (dự kiến 23 HCV, 24 HCB và 26 HCĐ). Cũng như phân tích của Gracenote, đoàn Nga tham dự với lực lượng đông đảo 333 VĐV tranh tài ở 30 môn, đặt mục tiêu là lấy lại vị thế tốp 3 toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương, điều họ đã không làm được cách đây 5 năm ở Olympic Rio 2016. 

Đây là kỳ thế vận hội đặc biệt trong lịch sử phong trào Olympic. Một thế vận hội diễn ra trong đại dịch Covid-19 và lần đầu tiên xuất hiện tại thế vận hội có một đoàn thể thao khá lạ mang tên ROC, gồm toàn các VĐV đến từ Nga. Những đặc biệt lần đầu tiên này đang thể hiện sự đoàn kết, tình hữu nghị và nỗ lực đồng lòng vượt khó chinh phục những đỉnh cao thành tích, hướng tới tương lai của một nền thể thao trong sạch.

Sự chấp nhận miễn cưỡng màu cờ, sắc áo, tên gọi lần này sẽ không kéo dài. Sau Olympic Tokyo và Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022, nước Nga sẽ dần quay trở lại cộng đồng thể thao thế giới. Giải vô địch bóng chuyền thế giới năm 2022 sẽ được tổ chức tại 10 thành phố của Nga.

Tin cùng chuyên mục