Rong mơ kêu cứu

Rong mơ kêu cứu

Rong mơ là loài rong biển có giá trị kinh tế cao hiện đang được nhiều nước thu mua và vùng biển miền Trung được đánh giá có trữ lượng rong mơ lớn nhất cả nước. Tại đây, việc khai thác rong mơ bừa bãi đang từng ngày đe dọa môi trường và hệ sinh thái biển.

Rong mơ (tên khoa học là Sargassum) có nhiều ở biển nước ta, đặc biệt là các vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên... Những năm gần đây, rong mơ ngày càng có giá trên thị trường nên được người dân sinh sống ven biển khai thác bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm, phân bón, dược phẩm...

Giá rong mơ (đã phơi khô) trên thị trường hiện nay dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày, một người khai thác rong mơ có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng khá dễ dàng. Vì thế, ngay từ những tháng đầu năm, khi rong mơ đang còn non, nhiều người đã kéo đến khu vực biển Nha Trang (nơi có nhiều rong mơ) để khai thác.

Ngư dân Lý Sơn vớt rong dưới biển sâu. Ảnh: HÀ MINH

Ngư dân Lý Sơn vớt rong dưới biển sâu. Ảnh: HÀ MINH

Theo đánh giá, vùng biển tỉnh Khánh Hòa có nguồn rong mơ khá phong phú, tập trung với sản lượng lớn ở các bãi triều đáy cứng (đá, san hô chết...) ven biển và các đảo, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 10.000 tấn rong tươi. Nếu như trước đây, việc khai thác rong mơ chủ yếu ở gần bờ, ở các bãi bồi sau khi thủy triều rút và chỉ ở độ sâu khoảng 3m. Thì nay, việc khai thác rong mơ cả những nơi rất sâu, kể cả ở các rạn san hô quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Còn ở Quảng Ngãi chưa bao giờ người dân vùng biển lại dễ kiếm tiền từ việc hái rong mơ như một hai năm trở lại đây. Người dân chỉ cần dùng thúng bơi ra một đoạn gần bờ là có thể hái rong mơ, lại có người thu mua ngay, tiền “tươi” nên ai cũng hồ hởi.

Theo thống kê, chỉ riêng hai xã Bình Hải, Bình Châu của huyện Bình Sơn, hiện hàng ngày có trên 200 hộ dân khai thác rong mơ. Không chỉ ở huyện Bình Sơn, thời gian gần đây, phong trào khai thác rong mơ ở huyện đảo Lý Sơn phát triển một cách ồ ạt. Do rong được giá nên người dân ở đây khai thác vô tội vạ, khiến rong mơ gần bờ gần như cạn kiệt.

Được biết, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về rong mơ, nhằm đánh giá hiện trạng và tìm các giải pháp bảo vệ nguồn lợi này.

Một số kết quả nghiên cứu đều khẳng định, rong mơ gắn chặt với hệ sinh thái san hô và các loài thủy sinh khác. Nếu rong mơ biến mất, môi trường sinh thái biển nơi đó sẽ bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, huyện đã ra một chỉ thị nghiêm cấm khai thác rong mơ, nhưng người dân vẫn lén lút ra biển cắt rong. Huyện không đủ lực lượng để tuần tra, kiểm soát và cũng chưa có chế tài.

Thực tế cho thấy, ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., họ không chỉ khuyến khích khai thác rong mơ hợp lý mà còn tiến hành trồng rong mơ tại các vùng biển. Đối với Việt Nam, hiện chưa có lệnh cấm khai thác rong mơ và cũng chưa có đề án nào về nuôi trồng rong mơ để bảo vệ sinh thái biển.

VĂN NGỌC – HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục