Rủi ro về sức khỏe: Ai chịu trách nhiệm?

Rủi ro về sức khỏe: Ai chịu trách nhiệm?
Quần áo trẻ em bày bán ở các chợ, chủ yếu là hàng Trung Quốc. Ảnh: L.V.

Quần áo trẻ em bày bán ở các chợ, chủ yếu là hàng Trung Quốc. Ảnh: L.V.

Không phải đến bây giờ nỗi lo về chất lượng, tính an toàn của hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về mới khiến người tiêu dùng Việt Nam (VN) giật mình, lo sợ. Dư luận và công luận đã từng cảnh báo về đồ chơi trẻ em, các chất phụ gia dùng trong thực phẩm có độc tố, hóa chất gây ung thư được bày bán tràn lan, đến các loại trái cây tươi để lâu không bị héo, bị úng do sử dụng chất bảo quản không đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm.

Vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng, không mua hàng hóa thực phẩm, trái cây và những chất phụ gia có nguồn gốc không rõ ràng, xuất xứ.

Chính vì thế, người bán hàng luôn “lập lờ đánh lận con đen”, nói dối, quảng cáo với khách hàng rằng các loại trái cây bày bán có nguồn gốc từ Thái Lan, Đài Loan hoặc chính hiệu “cây nhà lá vườn” VN.

Tội nghiệp cho trái cây VN bị mang tiếng oan do người bán gắn mác sai sự thật. Điều này các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường có biết hay không?

Chưa hết bàng hoàng, nghi ngại về trái cây, đồ chơi trẻ em không đảm bảo an toàn, nay người tiêu dùng lại lo sợ khi nghe tin hàng may mặc, nhất là quần áo trẻ em không đảm bảo an toàn cho sức khỏe (có chứa formaldehyde). Do hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc sản xuất có giá quá rẻ nên từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Dù đã được cảnh báo về sự thiếu an toàn của hàng vải dệt, đồ chơi nhưng những nhà kinh doanh và bán lẻ vẫn nhập về, bày bán tràn lan và nói sai sự thật về nguồn gốc hàng hóa, đây là điều rất đáng báo động.  Nếu các cơ quan chức năng, quản lý thị trường vẫn tiếp tục thả nổi việc quản lý, kiểm soát và để cho hàng hóa không có xuất xứ, nguồn gốc nhập khẩu ồ ạt về VN thì về lâu dài người tiêu dùng không thể tránh khỏi rủi ro, nguy hiểm khi đối mặt với bệnh tật, ung thư…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của người dân, đề nghị Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN hãy vào cuộc điều tra làm rõ những mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu đang gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có biện pháp chống mặt hàng vải dệt nhập lậu và có chính sách bảo hộ cho sản phẩm hàng hóa “made in VN” đạt chất lượng, chiếm lĩnh dần thị trường nội địa để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đã đến lúc phải kêu gọi và phát động sâu rộng phong trào người VN dùng hàng VN.

truongvinh09…@gmail.com

Tin cùng chuyên mục