
Nhiều cánh rừng dọc Trường Sơn mịt mù khói lửa và đỏ quạch màu đất. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy khi đi dọc đường Hồ Chí Minh, rừng xanh ở Hướng Hóa, ĐaKrông (Quảng Trị), Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam) đang chết rũ, mất dần vì cháy, những cây gỗ vốn to là thế, xanh tốt là thế nay cứ chổng chơ như những khu rừng chết…
Làm rẫy đốt cả rừng xanh
Quảng Trị vào mùa nắng nóng, những cánh rừng dọc đường 9 và ngút hết tầm nhìn đến tận chóp đỉnh Trường Sơn đỏ quạch. Từ trung tâm huyện Đakrông nhìn quanh bốn phía khó tìm thấy màu xanh. Những mảnh rừng nham nhở. Khoảnh vừa cháy xong, khoảnh vừa bị chặt hạ chờ cháy, khoảnh phô những mảng đồi đỏ ối, lở loét.

Một khoảnh rừng già do ông Hồ Sâm (Bản Cợp, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) mới phát, đốt để trồng rẫy.
Theo vệt rừng cháy, chúng tôi lên vùng thượng nguồn sông Đakrông. Càng lên cao, cảnh tượng càng xơ xác, cả ngàn ha nương, rẫy, rừng rất hiếm bóng cây xanh trú nắng. Tại thị trấn Krông-Klang (Đakrông), đứng trên đường 9 cũng nghe tiếng rừng cháy ràn rạt, tro bay phủ kín thành lớp trên mặt đường do làm rẫy đốt cả rừng xanh.
Những nhà sàn dọc sông Đakrông im lìm dưới nắng lửa. Sang bản Bông Kho bên kia sông, vào một ngôi nhà sàn khá bề thế, nhóm người Vân Kiều đang ngồi cuối bờ hiên hóng gió Lào.
Một chị tên Hồ Nên, chỉ vạt rừng cháy trước mặt: “Mình đốt ít, nó cháy nhiều thì biết mần răng. Không đốt, không phát rừng làm rẫy thì lấy chi ăn. Năm ni phát đốt ở đây, năm sau đi chỗ khác, cứ rứa 4-5 năm mới quay lại rẫy cũ”.
Ông Hồ Pu ngồi cạnh xen vào: “Chưa năm mô rừng cháy nhiều như năm ni. Bản tui, mỗi nhà đốt chừng 2ha, nhưng cháy nhiều là do người ở chỗ khác đến đốt rừng để tìm phế liệu. Nắng nóng như ri đố ai vô đó mà chữa cháy. Gặp bom bi nổ có khi mất mạng” .
Bên bản Hiền Củ, hỏi chuyện rừng cháy, Hồ Pao sôi nổi: “Rừng cháy như ri, không biết qua năm có còn để phát không. Không phát rừng thì cái bụng đói thôi!”. Tại bản Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa ông Hồ Sâm đang đốt rừng già làm rẫy, khi tôi đến, ông đã đốt ngót một cánh rừng lút mắt.
Hỏi vì sao đốt, Hồ Sâm trả lời: “Không có chỗ mô đất tốt hết. Đất đây tốt thì đốt. Lúc đầu mình cũng sợ cán bộ rừng bắt nhưng đốt mấy ngày không chộ chi thì mình mạnh dạn dọn dẹp gỗ luôn để tỉa bắp. Đất đây tốt nhất rồi. Bao năm nay, rừng ở đây tốt lút mắt mà”.
Đốt rẫy có lim bán

A Rất Rít, người cầm rựa và em trai đang canh chừng đống gỗ sau vài ngày đốt một khoảnh rừng xanh.
Tình trạng ấy đang diễn ra tại các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang. Người Cơ Tu nơi này bây giờ có đường Hồ Chí Minh đi qua nên ra sức lên rừng chặt lim, kền kền… bán cho những lái gỗ dưới xuôi lên. Đội ngũ lái gỗ ăn hàng với nhiều hình thức.
Có khi đánh ban đêm bằng xe 12 chỗ ngồi. Có khi vận chuyển bằng xe Mink từng tốp từ ba đến năm xe sẵn sàng lao vào kiểm lâm nào đứng ra chặn chúng. Rừng ở Quảng Nam hiện có trữ lượng gỗ lớn ở miền Trung nên lâm tặc hoành hành nhiều.
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam than thở: “Sau 15 tháng thực hiện Chỉ thị 12/TTg về “Tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng”, Quảng Nam đã xử lý 3.000 vụ vi phạm lâm luật. Tính ra mỗi ngày trên địa bàn có 6,6 vụ phá rừng, đó là chưa kể số vụ “lọt lưới”.
Cho nên con số được Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam báo cáo thu nộp ngân sách Nhà nước gần 10,8 tỉ đồng từ gỗ bắt được của lâm tặc đã làm nhiều người phải xấu hổ vì nạn phá rừng nơi này.
Trong vai một người đi mua gỗ, tôi tạt qua thôn Pờ Zầu, xã Zơ Nông, huyện Nam Giang, một người Cơ Tu là A Rất Rít nhiệt tình đưa tôi lên xem bãi lim. Tôi thắc mắc vì sao lim cháy sém, A Rất Rít nhanh nhảu: “Bãi lim này mình lấy cớ đốt rẫy mới có được, gỗ sém nhưng về xuôi thì đẹp hết. Đốt đen, kiểm lâm hỏi thì nói củi mót trên nương.
Tôi hỏi làm sao đưa về xuôi, A Rất Rít bày: “Thuê xe Mink thôi. Chỉ mấy người đó mới dám chạy”. Tôi dạm giá, Rít nói: “Ưa mấy cũng có. Tao ở trên này thì lo chi, mày cứ lo đủ tiền tao bán cho”. Qua Thạnh Mỹ, còn biết, lim trong vùng rất nhiều và đang bị tàn phá trầm trọng bằng cớ làm rẫy.
Tại người, tại trời?

Huyện Đakrông có 13 xã thì xã nào cũng phát nương, đốt rừng làm rẫy để núi rừng nham nhở đỏ quạch.
Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã xác định 63 vùng trọng điểm phá rừng trên địa bàn tỉnh cũng như điểm mặt được 362 lâm tặc, nhưng chúng vẫn hoành hành.
Hồ Phôi, Phó Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) nói: “Dân trí thấp, tuyên truyền nhiều nhưng họ không nghe. Mà không đốt rừng làm rẫy thì họ sống bằng gì?”. Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nói: “Nắng có ngày 40 độ, kiểm lâm và bảo vệ rừng mỏng, nếu rừng cháy thì đành nhìn đến lúc nào không thể cháy nữa thì thôi”.
Rừng Đakrông, Hướng Hóa vẫn bốc lửa. Thông tin cháy rừng liên tiếp dội về. Hiện đã có 111 ha rừng (chứ không phải là lau lách sau nương rẫy như một số quan chức cố tình né tránh) đã bị thiêu. Ai sẽ chịu trách nhiệm trước thảm cảnh rừng xanh trên dọc đường Trường Sơn bị đốt phá và cạo trọc này?
NAM DƯƠNG