Thông tin về việc 170 người vừa tử vong vì ngộ độc rượu tại Ấn Độ làm cả thế giới giật mình. Chuyện ở Ấn Độ nhưng cũng là lời cảnh báo cho chúng ta, vì ở nước ta cũng đang xuất hiện tràn lan các loại rượu rẻ tiền không rõ nguồn gốc, chế biến bằng cồn công nghiệp. Phóng viên Báo SGGP đã về tỉnh Long An tìm hiểu nạn sản xuất và bán rượu giả mạo thương hiệu rượu đế Gò Đen.
2 rượu + 7 nước + 1 cồn
Rượu đế Gò Đen là thương hiệu nổi tiếng ở miền Tây từ lâu. Tại 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có gần 400 hộ sản xuất rượu đế Gò Đen. Đây là những hộ có nghề nấu rượu truyền từ đời này sang đời khác, nhưng nấu với quy mô nhỏ lẻ, mang tính gia đình theo dạng tự sản, tự tiêu.
Gần đây trên thị trường tràn ngập rượu giả, mạo nhận thương hiệu rượu Gò Đen. Từ TPHCM về Long An, dọc theo tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ Bình Chánh về Tân An, có nhiều điểm treo bảng bán rượu đế Gò Đen, loại nào cũng có, giá nào cũng bán, nhưng lại không dễ mua được rượu gốc đế Gò Đen chính hiệu, đúng giá.
Theo mách bảo của ông bạn già ở Bến Lức, chúng tôi ghé vào 6 điểm bán rượu đế Gò Đen, hỏi mua mỗi nơi 1 lít. Dù những người bán đều bảo đảm đúng là rượu đế Gò Đen, nhưng giá bán không giống nhau. Điểm bán rượu của bà Ba Sử ở Gò Đen bán rượu nếp trắng 40 độ giá 30.000 đồng/lít, 50 độ 35.000 đồng/lít, nếp than 30.000 đồng/lít. Còn điểm bán rượu của bà Hiền Mập ở đối diện bên kia đường bán giá thấp hơn, nếp trắng 40 độ 25.000 đồng/lít, 50 độ 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, tại xã Thạnh Đức (huyện Bến Lức) hay xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), giá bán rượu đế Gò Đen chỉ từ 18.000 - 25.000 đồng/lít. Thậm chí, chủ một điểm bán rượu ở gần cầu Ván (xã Nhị Thành) còn rao giá bán rượu đế Gò Đen chỉ 16.000 đồng/lít với điều kiện mua 10 lít trở lên.
Chị Thanh ở ấp 2, xã Mỹ Yên, gia đình có nghề nấu rượu đế Gò Đen lâu năm ở đây, cho biết: Để ủ và nấu một mẻ rượu phải mất nhiều thời gian, công sức, nhất là khâu chưng cất rượu. Trước đây, dùng nhiên liệu trấu để nấu nên phải mất cả ngày mới xong một mẻ rượu. Nay nấu bằng than đá nên nhanh hơn, chỉ cần khoảng 4 tiếng đồng hồ là xong. Nhờ vậy mà mỗi ngày 3 lò rượu của chị nấu được mấy mẻ, cho ra khoảng 120 lít rượu. Số rượu này, chị chỉ để lại một ít bán lẻ tại chỗ, còn phần lớn bỏ mối ở TPHCM. Giá bán trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/lít, tùy rượu 40 độ hay 50 độ.
Để nấu ra một lít rượu nếp, chi phí khoảng 25.000 - 27.000 đồng, do vậy người nấu rượu không lời được bao nhiêu, chủ yếu là lời hèm để nuôi heo. Nhưng những người mua đi bán lại đã kiếm lời nhiều bằng cách sau khi mua rượu gốc tại lò đem về “chế biến” lại để có số lượng rượu nhiều hơn. Cách họ thường làm là pha 2 lít rượu gốc với 7 lít nước và 1 lít cồn (rượu gạo hay rượu nếp cũng đều pha chế như vậy), rồi cho thêm hóa chất hương liệu vào nên rất khó nhận biết rượu gốc với rượu đã pha chế. Với công thức này, cứ mỗi lít rượu giả lời khoảng 15.000 - 20.000 đồng, nên nhiều điểm bán rượu không ngần ngại “chế biến” và bán rượu đế Gò Đen giả.
Hậu quả khôn lường
Không ít người bức xúc khi mua nhầm rượu đế Gò Đen giả ngay tại quê hương của đế Gò Đen. Một giám đốc doanh nghiệp ở Cần Thơ kể, cách nay không lâu, khi có dịp đi ngang qua Long An ông đã mua hơn 10 lít rượu đế Gò Đen để về ngâm bao tử nhím. Một thời gian sau, nhân dịp gia đình sui gia có tiệc, ông lấy hũ rượu bao tử nhím sang tặng ông sui đãi khách. Nào ngờ, khi mở nắp hũ rượu ra, mùi hôi thối nồng nặc làm cho chủ và khách một phen “xanh mặt”. Ông thật xấu hổ và thề sẽ không bao giờ uống rượu đế Gò Đen nữa.
Một cán bộ huyện ở vùng Đồng Tháp Mười cũng gặp cảnh tương tự khi mua 20 lít rượu đế Gò Đen ngâm hà nàm nai. Hơn 4 tháng sau, tới ngày giỗ cha, ông đem rượu quý ra mời khách. Nào ngờ, khi mở nắp hủ rượu ra, cả nhà muốn bỏ chạy vì mùi hôi thối. Nguyên nhân dẫn đến những tình cảnh oái oăm này là do mua nhầm rượu Gò Đen giả.
Những người nấu rượu lâu năm ở Long An cho biết cách nhận dạng rượu giả: Rượu đã qua pha chế thường có mùi nồng, gắt do pha cồn hoặc nấu bằng men Trung Quốc; khi uống có vị nhẫn nhưng lạt (nếu pha ít cồn, nhiều nước), hoặc có vị ngọt (nếu có bỏ đường vào, người bán thường nói là rượu nếp than)… Một điểm nữa là sau khi đã uống “quắc cần câu”, lúc tỉnh lại thấy đầu nặng, đau như búa bổ thì chắc chắn là rượu giả.
Nạn rượu giả là vấn đề đáng lo ngại vì có nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Hầu như năm nào tại miền Tây cũng có nhiều người phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu pha cồn. Mới đây nhất là 2 vụ ngộ độc rượu ở huyện Châu Phú và huyện Phú Tân (An Giang) khiến gần 100 người phải nhập viện, trong số đó đã có 2 người tử vong. Cả 2 vụ đều sử dụng rượu lấy từ cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Tâm (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú). Công thức “chế biến” rượu của cơ sở này là sử dụng 17 lít rượu nấu pha với 2 lít cồn công nghiệp và 11 lít nước sông thành một can rượu 40 độ đem bán cho khách. Trong các mẫu rượu gây ngộ độc mà cơ quan chức năng thu giữ được, hàm lượng methanol cao gấp cả trăm lần mức cho phép.
Có tận mắt thấy cách “chế biến” rượu đế dỏm như vậy, ngay cả các ma men cũng phải ngán.
ĐĂNG NGUYÊN