Rượu “ngoại” sản xuất tại Sài Gòn

Kỹ sư “điều chế” rượu ngoại giả
Rượu “ngoại” sản xuất tại Sài Gòn

Cồn 98° pha nước lọc thành rượu 40°, sau đó pha màu thực phẩm, cộng với một chút hương rượu mùi Cognac - đây là “công thức” sản xuất rượu ngoại ST-Rémy-Napoleon giả mà kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn đã bỏ công “nghiên cứu” gần nửa năm trời. “Đồng nghiệp” của Tuấn - Phạm Hữu Viễn - đã từng trả giá 6 năm tù về hành vi sản xuất, buôn bán rượu ngoại giả. Thế nhưng sau khi ra tù, Viễn lại quay về con đường cũ. Kết cục gì sẽ dành cho các đối tượng “say” rượu ngoại giả này?

Kỹ sư “điều chế” rượu ngoại giả

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, Nguyễn Anh Tuấn (SN 1957, quê Bến Tre, ngụ huyện Bình Chánh) ở lại TPHCM, đi làm nhân viên giám sát công trình xây dựng cho các công ty tư nhân tại đây. Khi lập gia đình, Tuấn cùng vợ con phải ở nhờ nhà của một người thân tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. 5 đứa con nối nhau chào đời (đứa nhỏ nhất sinh năm 2006), khiến cuộc sống đã tạm bợ càng thêm túng quẫn, bức bối. Tại cơ quan điều tra, Tuấn cúi đầu khai nhận, biết rõ việc làm rượu giả là sai, là vi phạm pháp luật nhưng vì miếng cơm manh áo nên Tuấn vẫn thực hiện bằng được, mặc người vợ ra sức khuyên can.

Rượu “ngoại” sản xuất tại Sài Gòn ảnh 1

Đầu năm 2007, Tuấn mua vỏ chai, vỏ hộp giấy rượu ngoại đã sử dụng, nắp chai, tem rượu nhập khẩu giả, cồn 98°C, hương liệu, phẩm màu… của các đối tượng khác và ở chợ Kim Biên (quận 6 TPHCM), bắt đầu thử nghiệm làm rượu ngoại giả.

Lúc đầu, Tuấn thử nghiệm pha chế nhiều loại rượu ngoại khác nhau như rượu Gold Label, Remy Martin… nhưng không thành công. Đến giữa năm 2007, Tuấn “điều chế” thành công rượu ngoại giả hiệu ST-Rémy-Napoleon với công thức: cho cồn 98 độ vào thùng nhựa rồi pha nước lọc cho đến khi đạt được rượu 40°; pha màu thực phẩm, pha hương mùi Cognac.

Sau đó, Tuấn cho rượu vào các vỏ chai rượu ngoại đã qua sử dụng còn nguyên nhãn mác rồi dùng cạnh miếng nhựa mỏng hình chữ nhật chà lên rãnh nắp chai rượu đã có sẵn (để khi mở nắp sẽ đứt phần dưới của cổ chai, giống như rượu thật chưa bóc).

Sau cùng, Tuấn dán tem rượu nhập khẩu giả lên trên nắp để tạo thành chai rượu ngoại giả thành phẩm giống như chai rượu ngoại thật.

Bằng thủ đoạn giới thiệu đây là rượu xách tay từ nước ngoài về, tất cả số rượu giả làm ra, Tuấn được các đối tượng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), thị xã Bến Tre (Bến Tre), TP Cần Thơ (Cần Thơ)… bao tiêu với giá từ 75.000 – 80.000đ/chai mà không hề hay biết.

Tại đường Thích Thiện Hòa, ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, công an đã bắt quả tang Tuấn đang vận chuyển 12 chai rượu giả nhãn hiệu ST-Rémy-Napoleon trên đường đi tiêu thụ. Tuấn khai nhận, ngoài số rượu trên, trong vòng nửa năm (từ tháng 6-2007 đến khi bị bắt), Tuấn đã sản xuất được gần 60 chai rượu giả khác. Qua giám định về tiêu chuẩn chất lượng rượu, cơ quan điều tra xác định rượu Tuấn làm giả có hàm lượng độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngựa quen đường cũ…

Năm 2001, Phạm Hữu Viễn (SN 1974, quê Thanh Hóa, cư trú tại quận 12, TPHCM) đã bị kết án 6 năm tù về tội sản xuất, kinh doanh rượu ngoại giả. Năm 2005, Viễn được tha tù trước thời hạn. Tưởng được hưởng ân xá, Viễn sẽ từ bỏ lỗi lầm, quay về làm ăn chân chính. Nào ngờ, chiều ngày 10-1-2008, Viễn tiếp tục bị bắt quả tang khi đang chở 57 chai rượu ngoại giả gồm các loại Hennessy, Martell… đi bán.

Viễn khai nhận, từ tháng 4-2007, Viễn gặp 1 đối tượng tên Hùng, 2 người bàn tính chuyện “khôi phục” nghề làm rượu ngoại giả xưa kia. Sau đó, Viễn liên hệ với Vũ Văn Thành (SN 1966, quê Nam Định, cư trú tại quận 12, TPHCM) để mua nắp nút chai và nhãn mác rượu ngoại giả các loại; Hùng “bắt tay” với Đỗ Văn Lập (quê Hà Nam, tạm trú quận 12). Từ đây, Lập đã thuê phòng số 9 căn nhà 56/11C khu phố 6, phường Tân Thới Nhất, quận 12, làm “đại bản doanh” cho cả nhóm tập trung sản xuất rượu giả.

Khi đã có địa điểm, đầy đủ dụng cụ phương tiện, Hùng và Lập trực tiếp sản xuất rượu giả. Rượu làm ra, Viễn mang đi tiêu thụ cho mối hàng ở Tây Nguyên. Lấy lý do mượn xe đi để nhận tiền bán nhà, Viễn đã hỏi mượn 1 người bạn chiếc xe ô tô Mazda 3 biển số 50Z-10… nhằm chở rượu ngoại giả đi bán thì bị bắt.

Ngoài số rượu bị bắt quả tang, qua khám xét “đại bản doanh” trên, cơ quan điều tra đã phát hiện một số lượng lớn các nguyên liệu, phẩm màu, vỏ chai rượu ngoại, hộp chai rượu ngoại đã qua sử dụng, nhiều loại máy móc, công cụ để sản xuất rượu ngoại giả và 10 chai rượu ngoại giả hiệu HENNESSY VSOP loại 750ml.

Mở rộng điều tra, công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Vũ Văn Thành và thu được nhiều loại nguyên liệu, máy móc, công cụ để sản xuất nắp nút chai và nhãm mác rượu giả các loại Remy Martin, HENNESSY, Chivas…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị truy tố các đối tượng nói trên với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Đứng trước vành móng ngựa, đó là cái giá mà những kẻ “say” làm rượu giả để kiếm lời bất chính sẽ phải nhận lãnh.

Hùng Đăng

Tin cùng chuyên mục