Câu chuyện về việc nhà xuất bản (NXB) Mỹ HarperCollins chủ động phát hiện sách lậu ở Việt Nam và sau đó cảnh báo với đối tác Việt (Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News) về việc xem xét tạm dừng giao dịch bản quyền cho đến khi tình hình sách lậu được cải thiện khiến cho chủ đề sách lậu lại một lần nữa được nhắc đến và cũng như những lần được nhắc đến khác, căn bệnh sách lậu vẫn chưa có thuốc chữa.
Sự “nổi tiếng” của sách lậu Việt Nam
Tác giả T. Harv Eker giận dữ, các hành động cảnh báo của NXB HaperCollins và sự đau xót của First News, đó gần như là tất cả những gì liên quan sự kiện phát hiện tác phẩm Bí mật tư duy triệu phú bị in lậu, ngoài ra không còn gì nữa.
Không chỉ các đơn vị trong nước thản nhiên trước một câu chuyện sách lậu, ngay cả các đơn vị xuất bản nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam cũng thản nhiên. Với họ, sách lậu tại Việt Nam đã trở thành một điều gì đó quen thuộc, như một phần của thị trường sách tại đây.
Bởi vì một điều đơn giản, phản ứng của NXB HarperCollins không phải là một điều gì đó mới lạ. Trước đó, nhiều NXB nước ngoài khác cũng đã có những phản ứng thậm chí còn mạnh mẽ hơn với sách lậu ở Việt Nam. Thậm chí, từng có nhiều NXB còn đầu tư tiền của để cùng các đối tác Việt Nam chống sách lậu, có NXB còn tác động trực tiếp đến quan chức chính phủ nhằm đưa việc chống sách lậu vào các thỏa thuận thương mại. Và kết quả tất cả đều giống nhau, không có bất cứ tác dụng nào, sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại.
Các đơn vị xuất bản trong nước không lạ gì chuyện khi mua bản quyền, hầu như NXB quốc tế nào cũng muốn bán đứt, bán trọn gói chứ không muốn chia lợi nhuận theo lượng sách bán ra, vốn là một điều rất có lợi cho các đơn vị làm sách khi giảm thiểu chi phí ban đầu. Thế nhưng, ở Việt Nam sách càng hay, càng có khả năng bán chạy thì sách lậu càng nhanh và nhiều. Trong bối cảnh đó, chẳng ai còn tâm trí quảng bá, khuếch trương sách mà chỉ mong ngóng thu hồi vốn càng nhanh càng tốt, thêm chút lợi nhuận là đã đủ vui mừng. Các NXB nước ngoài cũng hiểu điều đó nên khi làm việc với đối tác Việt Nam, họ chọn cách an toàn nhất cho họ là mua đứt bán đoạn, việc còn lại đối tác Việt tự giải quyết lấy.
Và cũng vì lẽ đó, sau một thời gian đầu quan tâm việc chống sách lậu, vài năm trở lại đây hầu như không còn bất cứ thông tin nào về việc các NXB nước ngoài phản ánh về sách lậu ở Việt Nam. Nếu không phải tác giả T. Harv Eker phản ứng mạnh mẽ thì có lẽ NXB HarperCollins cũng chẳng có ý kiến gì vì như ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News thừa nhận, chuyện cuốn sách này bị in lậu chẳng phải là chuyện mới mẻ hay bất ngờ gì, từ khi sách được xuất bản đã có sách lậu.
“Sống chung với lũ”
Năm 2004 khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả, một không khí sục sôi chống sách lậu lan mạnh cả nước. Khi đó, không tháng nào không có vài cuộc họp báo về việc phát hiện sách lậu. Từ Hà Nội đến TPHCM, đâu đâu cũng nói về việc chống sách lậu, ngăn chặn sách lậu.
Thế nhưng, theo thời gian ai nói cứ nói, ai chống cứ chống, sách lậu vẫn sống tốt, sống khỏe. Thi thoảng lắm mới có thông tin nơi này phát hiện sách lậu, nơi kia bắt được vụ làm sách lậu. Thế nhưng, số sách lậu bị phát hiện có khi lên đến hàng tỷ đồng trong khi mức xử phạt chỉ tính bằng vài chục triệu đồng, đỉnh cao nhất của một vụ xử phạt sách lậu là nửa tỷ đồng chỉ có một trường hợp.
Một điểm bán sách giá rẻ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.1, TPHCM
Dần dần những người chống sách lậu giảm dần, không ai có thể theo đuổi việc chống sách lậu vốn tốn kém và vất vả một cách lâu dài được. Các đơn vị làm sách dần dần chấp nhận “sống chung với lũ”, thậm chí còn phải nhún nhường, khép nép với sách lậu. Câu chuyện một giám đốc đơn vị làm sách đã phải mời các đại gia làm sách lậu dự một bữa tiệc và năn nỉ để cho đơn vị ông bán sách vài tuần hãy in lậu vẫn được giới làm sách truyền tai nhau như một chuyện hài đầy cay đắng.
Hiện nay, giới làm sách trong nước chia làm 2, một bên vẫn kiên quyết theo đuổi việc chống sách lậu và một bên chấp nhận xem sách lậu là một phần cuộc sống. Phía kiên quyết còn đơn vị duy nhất là First News, đã vậy sau thất bại trong việc kiện Cơ sở đóng sách Huy Thi in lậu bị bắt quả tang đến nay thì việc đơn vị này còn theo đuổi chống sách lậu hay không cũng còn phải chờ. Phía xem sách lậu là một phần thị trường sách gồm hầu như tất cả các đơn vị còn lại và trong số đó, NXB Trẻ, một trong những đơn vị từng một thời chống sách lậu quyết liệt nhất, lại được coi là đầu tàu của quan điểm “sống chung với sách lậu”.
Thực ra, việc bị xem là đầu tàu có thể xem là một sự oan ức đối với NXB Trẻ. Đơn vị này chỉ rút ra khỏi mọi tranh chấp kiện tụng với sách lậu để như lời Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt từng phát biểu: “Dồn sức lực vào việc nâng cao chất lượng sách hơn là làm việc vô ích”. Và đơn vị này đã làm đúng điều đó, NXB Trẻ luôn là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ mới vào sách, từ việc đi đầu trong sử dụng loại giấy nhẹ, màu vàng ít hại mắt đến áp dụng mã vạch để biến sách giấy thành sách có khả năng tương tác điện tử và mới đây nhất là tem thông minh giúp liên kết trực tiếp bạn đọc với NXB. Chính những cải tiến đó về sách lại khiến mọi người xem như là một hình thức chống sách lậu vì trong suy nghĩ của nhiều người thì sách càng hiện đại thì càng khó in lậu.
Thế nhưng, với NXB Trẻ thì họ hiểu rõ việc thay đổi đó giúp bạn đọc có nhiều lợi ích hơn chứ chẳng hiệu quả gì trong việc chống sách lậu. Mã vạch để giúp bạn đọc thêm tiện ích, không có tác dụng gì trong chống việc sao chép sách theo kiểu chụp lại, tem thông minh từng dùng chống in lậu với lịch bloc, kết quả là vừa phiền toái khách hàng mà lịch lậu vẫn nhan nhản.
Chính vì thế, cứ mỗi lần giới thiệu cái mới, trước sự chờ đợi của mọi người về khả năng chống sách lậu, đại diện NXB Trẻ cứ phải nhắc đi nhắc lại rằng họ không quan tâm sách lậu, chỉ quan tâm bạn đọc của mình và dần dần thành ra bị xem là “đầu tàu” về việc “sống chung với sách lậu”.
Chính vì thế, nhiều người đã coi cuộc chiến của First News như cuộc chiến của chàng Đôn Ki Hô Tê (Don Quixote) chống các cối xay gió. Và đến nay, có lẽ hình ảnh ví von đó không phải không có lý do của nó.*
Tem thông minh chống sách giả NXB Trẻ vừa tái bản bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa (2 tập) của cố tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý. Đây là bộ tiểu thuyết phản gián, trinh thám và hành động rất ăn khách vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành bộ phim nhiều tập (cùng tên) cũng rất đình đám thời bấy giờ. Điều đặc biệt, lần tái bản này NXB Trẻ đã ứng dụng công nghệ tem thông minh in lên bìa sau của mỗi tập sách. Theo ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đây là công nghệ chống giả, chống in lậu gần như tối ưu nhất hiện nay. Vì mỗi tem là một mã số, gần như là một “CMND”, một “dấu vân tay” riêng cho mỗi quyển sách mà NXB Trẻ sẽ phát hành sau này. Tem thông minh được in ở bìa sau sách Với mã số này, bạn đọc sẽ truy cập và nhận ra ngay đâu là sách thật và đâu là sách in lậu. Hơn nữa, bạn đọc cũng sẽ được hưởng nhiều tiện ích như được cộng điểm mỗi khi mua sách. Dựa trên số điểm tích lũy, bạn đọc sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi, như tặng coupon vào mỗi tháng, tặng e-book, tặng quà theo quý… Riêng bạn đọc mua bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa có thể truy cập xem từng tập phim của bộ phim này theo từng chương của sách. Q.Đ. |
Tường Vy