Đầu ra cho các trường

Sản phẩm phải được tiếp thị đến “thượng đế”

Sản phẩm phải được tiếp thị đến “thượng đế”

Lần đầu tiên Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì hội thảo qui mô về tư vấn việc làm cho sinh viên với sự tham gia của gần 60 trường đại học cùng nhiều doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có tên tuổi trong cả nước. Vấn đề nóng bỏng được đặt ra tại hội thảo này là nhà trường và doanh nghiệp (DN) phải bắt tay nhau như thế nào để phát triển mối quan hệ “cộng sinh” này?

Bán cái doanh nghiệp cần mua

Sản phẩm phải được tiếp thị đến “thượng đế” ảnh 1

Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm ngành ngân hàng tại TPHCM năm 2006.

Tại sao sinh viên ra trường khó tìm việc làm? Tại sao có đến 60% sinh viên ra trường phải đào tạo lại mới sử dụng được? Tại sao thị trường lao động luôn khát lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp phải rong ruổi khắp nơi nộp đơn xin việc làm?

Mổ xẻ nguyên nhân sâu xa dẫn đến nghịch lý này, ông Giản Tư Trung, phụ trách Công ty Peace cho rằng hệ thống đào tạo giáo dục của chúng ta chưa hội nhập và phát triển theo cơ chế thị trường. Do đào tạo lệch pha, không sát với nhu cầu sử dụng của xã hội nên cái DN, nhà tuyển dụng cần thì các trường đại học, cao đẳng không đào tạo hoặc đào tạo chưa đến nơi đến chốn và ngược lại.

Trước thực tế DN, nhà tuyển dụng luôn ca thán khi sử dụng “sản phẩm” do mình tạo ra, nhiều trường bức xúc đặt ngược lại vấn đề: Tại sao DN không chủ động đặt hàng cho chúng tôi? Ông Lê Xuân Sinh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên ĐH Mở Bán công TPHC nhấn mạnh rằng nhà trường rất muốn biết DN cần cái gì, thiếu cái gì để đào tạo, uốn nắn “sản phẩm” của mình theo ý họ. Thế nhưng, trên thực tế mối quan hệ “cộng sinh” giữa nhà trường và DN chưa được làm rõ.

Theo ông Trung, trước tiên cần phải tạo sự đột phá-thay đổi tư duy đào tạo cung ứng lao động theo cơ chế thị trường, trong đó nhà trường phải đóng vai DN và DN đóng vai khách hàng. Để đáp ứng yêu cầu của “thượng đế”, nhà trường phải tạo ra những “sản phẩm” nhân lực đảm bảo uy tín, chất lượng và phải tiếp thị đến khách hàng có nhu cầu sử dụng. Như thế, các cơ sở đào tạo phải bán cho DN cái họ muốn mua chứ không thể là cái mình thích bán.

Muốn có sản phẩm nhân lực tốt, các trường đại học, cao đẳng phải tạo thương hiệu, đẳng cấp riêng cho mình thông qua chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải đón trước xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động, ngành nghề nào mới, thu hút nhiều lao động vào làm việc để tuyển sinh cho phù hợp.

Trưởng phòng Nhân sự Công ty Interflour, Nguyễn Thu Giao cũng cho rằng để mối quan hệ cộng sinh giữa nhà trường và DN ngày một phát triển tốt hơn, DN phải “vào cuộc”, tham gia định hướng cho nhà trường đào tạo cái gì, kỹ năng hành nghề như thế nào cho phù hợp với ứng dụng thực tế…

Từ kết quả khảo sát, Th.S Trần Đình Lý, ĐH Nông lâm TPHCM thừa nhận việc mời DN cùng tham gia giảng dạy-đào tạo sản phẩm nhân lực ở các trường chưa phổ biến. Bên cạnh đó, sự thiếu nhiệt tình cộng hưởng-tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, thực hành nghề ở các DN cũng là nguyên nhân tác động đến chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, kỹ năng thực hành kém.

Tư vấn đầu vào lẫn đầu ra

Thực tế cho thấy công tác tư vấn hướng nghiệp về việc làm cho sinh viên rất cần thiết nhưng đợi đến khi họ chuẩn bị ra trường mới làm thì trở bộ không kịp. Ngay từ khi chọn nguyện vọng-ngành học sai, không ít sinh viên đã bị lệch hướng. Để điều chỉnh sự lệch hướng này thì phải sớm tiến hành tư vấn định hướng nghề nghiệp và trợ giúp, kết nối việc làm cho các em. Thế nhưng, hiện ở một số trường ĐH, cao đẳng bộ phận tư vấn hướng nghiệp việc làm chưa được đầu tư thỏa đáng và hoạt động còn mờ nhạt.

TS. Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TPHCM) báo động thực trạng sinh viên các ngành mũi nhọn như công nghệ sinh học tốt nghiệp ra trường không có việc làm phù hợp là một hiện tượng không bình thường. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc chọn ngành nghề học sai, thiếu thông tin về hướng nghiệp chọn việc làm và cuối cùng là đào tạo không thích ứng với nơi sử dụng lao động… Do mơ hồ về ngành học, thiếu thông tin về nghề nghiệp, việc làm nhiều sinh viên đã chuốc thất bại, có tư tưởng chán nản ngay khi bước vào đời.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Tư vấn-Đào tạo Nhân lực L&A, có đến 20% sinh viên đại học, cao đẳng chọn sai nghề nghiệp, sở trường. Vì thế ngay khi ngồi trên ghế giảng đường, các bạn đã dao động tư tưởng, không gắn bó với nghề và lúc ra trường chắc chắn sẽ làm trái nghề, nhảy việc thường xuyên. Nếu được tư vấn định hướng nghề nghiệp phù hợp, sinh viên sẽ bước vào đời vững vàng hơn nhờ hành trang sức khỏe, kiến thức, chuyên môn, kỹ năng làm việc hoàn hảo.

KHÁNH BÌNH
 

Tin cùng chuyên mục