Chương trình “Kỷ vật những người đi B” truyền hình trực tiếp trên HTV 9

Sáng ngời “Màu hoa đỏ”

Sau 4 tháng triển khai Chương trình “Kỷ vật những người đi B” bằng các hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều đơn vị bảo tàng, trường học, đơn vị quân đội ở nhiều địa phương, tối qua 22-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp buổi giao lưu với chủ đề “Màu hoa đỏ”…
Sáng ngời “Màu hoa đỏ”

Sau 4 tháng triển khai Chương trình “Kỷ vật những người đi B” bằng các hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều đơn vị bảo tàng, trường học, đơn vị quân đội ở nhiều địa phương, tối qua 22-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp buổi giao lưu với chủ đề “Màu hoa đỏ”… 
 

Sáng ngời “Màu hoa đỏ” ảnh 1

Chưa đến giờ khai mạc nhưng không khí Hội trường Thành phố đêm qua đã ấm lên từ lúc 19 giờ. Các cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, sinh viên các trường đại học và đông đảo khách mời đã ngồi kín cả hội trường để chờ đón phút giây mở màn của đêm giao lưu chủ đề “Màu hoa đỏ” - đêm hội của những tấm lòng vàng, của bao nghĩa tình đồng đội thiêng liêng, cao cả.
 
Phát biểu khai mạc đêm giao lưu, ông Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh: “Báo SGGP đã tổ chức “Chương trình kỷ vật những người đi B” với mục đích làm cầu nối những người đi B năm xưa với đời sống xã hội hôm nay. Đây là chương trình văn hóa, xã hội được tổ chức trên diện rộng qua các buổi giao lưu, gặp gỡ, những hoạt động sưu tầm kỷ vật của những người đi B để hỗ trợ hoạt động các bảo tàng. Tất cả những hoạt động đó nhằm chuyển tải tới những người đương thời, nhất là các bạn trẻ, thông điệp về sức mạnh truyền thống của dân tộc, về sự quan tâm chia sẻ những khó khăn vất vả trong đời sống hôm nay...”.
 
Không khí buổi giao lưu sôi động hẳn lên khi hai vị khách mời là Trung tướng, TS Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 được mời lên ghế giao lưu cùng khán giả. Qua câu chuyện kể của hai vị tướng lĩnh tên tuổi một thời, người xem hiểu thêm niềm khát khao cháy bỏng của thế hệ cha anh về ước muốn giải phóng quê hương, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng tâm sự, những ngày sống trong sự yêu thương đùm bọc của bà con miền Bắc được học hành đến nơi đến chốn, nhưng anh em tập kết chúng tôi luôn canh cánh một nỗi niềm nhớ quê hương miền Nam. Nơi đó đồng bào đang sống dưới gót giày quân xâm lược. Nơi đó đồng chí, đồng đội tôi đang gian khổ ngày đêm đối mặt với quân thù. Hơn ai hết, những người con miền Nam chúng tôi luôn khát khao cháy bỏng được về miền Nam để chiến đấu giải phóng quê hương. Tôi mấy lần làm đơn xin tổ chức nhưng chưa đựơc giải quyết. Cho tới một hôm, tôi còn nhớ vào ngày 21-2-1961, 8 giờ sáng, Cục trưởng Cục Tổ chức gọi tôi lên và thông báo: cậu được đi B trở về Nam chiến đấu. Nghe tin đó tôi mừng muốn rơi nước mắt. Tôi không mừng sao được khi đi B thời đó là niềm khát khao và vinh dự của thế hệ trẻ.
 

Sáng ngời “Màu hoa đỏ” ảnh 2

Trên màn ảnh rộng treo bên trái sân khấu, đoạn phim tư liệu về “Những cô gái Ngư Thủy” hiện lên. Ai cũng ngỡ như một đoạn phim chiến đấu bình thường như bao cuốn phim khác. Vậy mà, từng hình ảnh trong phim đã không cầm được nước mắt nhiều người. 4 cô dân quân, nữ pháo binh Ngư Thủy oai hùng trong phim ngày nào, xuất hiện trên sân khấu cũng nước mắt ràn rụa khi được nhìn lại hình ảnh của chính mình năm xưa. Đoạn phim đã thật sự làm xót xa con tim bao người khi thấy cảnh nghèo khó của các chị hiện giờ nơi quê nhà. Cả hội trường như lắng lại nghẹn ngào xúc động. Đáng quý nhất, dù còn khó khăn nhiều trong cuộc sống nhưng khi Chương trình “Kỷ vật những người đi B” công bố tặng mỗi chị 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống thì các chị đều cho biết chỉ nhận một phần, còn lại sẽ san sẻ cho những chị em còn khó khăn hơn đang sống ở quê nhà. Nghĩa cử nào cao đẹp hơn!
 
Hình ảnh về các anh thương binh Trần Doãn Lẫm, Hồ Viết Định; anh hùng Lê Mã Lương; các cựu chiến binh Công ty Trung đoàn 33 cũng để lại nhiều chi tiết thật xúc động. Chương trình giao lưu càng về khuya càng ấn tượng hơn khi MC Minh Hương giới thiệu về anh thương binh Hoàng Văn Quảng. Anh là thương binh 2/4, giữ lời hứa với liệt sĩ Hoàng Văn Ninh - đồng đội trên chiến trường năm xưa, 28 năm nay anh trọn đạo làm con với một bà mẹ không sinh thành ra mình. Mẹ là mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Định. Đoạn phim tư liệu chiếu cảnh anh chăm sóc mẹ Định trong ốm đau nằm liệt một chỗ với tất cả tấm lòng của một người con hiếu thảo đúng nghĩa. Từ giặt giũ, tắm rửa, cho ăn... đến những sinh hoạt vệ sinh khác, một tay anh chu tất.
 
Đêm trước Noel không khí lạnh đã tràn về ngoài phố. Cái lạnh của đêm đông Sài Gòn không thắng nổi ngọn lửa của bao tấm lòng nhân ái sưởi ấm suốt buổi giao lưu. “Màu hoa đỏ” - như tên gọi của chương trình, đã thật sự tỏa sáng, điểm tô thêm cho truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã gìn giữ từ nghìn đời: Sống có trước có sau, sống trọn vẹn nghĩa tình…! Trong niềm xúc động, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM đã công bố hỗ trợ thêm 100 suất học bổng cho các học sinh- sinh viên là con cháu của những người đi B còn đang khó khăn, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
 
Tổng số tiền các đơn vị, mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ chương trình từ lúc triển khai đến kết thúc đêm giao lưu là 1 tỉ 656 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, sẽ được sử dụng vào việc xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ những người đi B còn đang khó khăn, giúp vốn làm ăn, mổ mắt miễn phí cho cá nhân và thân nhân người đi B bị bệnh...

Ngoài số tiền đóng góp trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tặng chương trình một bức Công lệnh: “Thần tốc , thần tốc, đại thần tốc” và bút tích của Đại tướng. Ban tổ chức cũng nhận được bức tranh sơn dầu “Mùa xuân” do danh họa Lưu Công Nhân (hiện đang sống tại Đà Lạt) tặng. Họa sĩ Trương Hán Minh cũng gửi tặng bức tranh thủy mặc “Uống nước nhớ nguồn”; họa sĩ Phạm Đỗ Đồng tặng bức tranh sơn dầu “Hương chiến khu”. Những bức tranh này sẽ được tổ chức đấu giá để gây quỹ giúp đỡ những người đi B và gia đình những người đi B có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tới

KIỀU PHAN

 Danh sách các đơn vị, cá nhân đóng góp “Kỷ vật những người đi B”
 
Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo (2.000 ca mổ mắt và 100 suất học bổng): 1.100.000.000 đồng; Chi hội Từ thiện Thiện Nhân (100 ca mổ mắt và 50 xe lăn): 100.000.000 đồng; Ban Từ thiện Xã hội Báo SGGP: 60.000.000 đồng; Công ty BHNT Prudential Việt Nam: 50.000.000 đồng; Công ty Trung đoàn 33: 50.000.000 đồng; Công ty CP Nam Dược: 30.000.000 đồng; Công ty XNK Y tế II và Công ty LD BV Pharma: 30.000.000 đồng; Đại học Sư phạm: 20.500.000 đồng; Công ty AustraPharm (Úc châu): 20.000.000 đồng; Đại học Bách khoa: 18.000.000 đồng; Công ty Galaxy (Thiên Ngân): 16.000.000 đồng; Công đoàn Báo SGGP: 15.000.000 đồng; Học viện Lục quân Đà Lạt: 15.000.000 đồng; Đại học Khoa học Tự nhiên: 15.000.000 đồng; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4: 10.000.000 đồng; Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn: 10.000.000 đồng; Công ty CP Hóa dược phẩm MEKORPHAR: 10.000.000 đồng; Công ty IMEXPHARM: 10.000.000 đồng; Công ty Tảo Việt (Hoa Tiên): 10.000.000 đồng; Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Long Thành: 10.000.000 đồng; Công ty CP Dược liệu TW2: 9.000.000 đồng; Công ty SAMCO: 5.000.000 đồng; Công ty TNHH TM sản xuất thuốc thú y RUBY: 5.000.000 đồng; Đại học Đà Lạt: 5.000.000 đồng; Đoàn TNCS Công ty Mai Linh: 5.000.000 đồng; phóng viên Hồng Lam - Báo SGGP: 5.000.000 đồng; Công ty Nhận Thức: 4.000.000 đồng; Công ty 756: 3.000.000 đồng; Công ty TNHH Dược phẩm Nam Linh: 3.000.000 đồng; Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam (TEDI): 3.000.000 đồng; Công ty cổ phần Rượu Việt Nam: 3.000.000 đồng; Nhà văn Trần Văn Tuấn: 1.000.000 đồng; ông Vũ Trí Thức: 1.000.000 đồng; bác sĩ Trần Tịnh Hiền - BV Nhiệt đới: 300.000 đồng; Phan Lê Bảo Hương - P12 Q10: 200.000 đồng; Công ty TNHH Tiến Độ: 5.000.000 đồng. Tổng cộng 1.656.000.000 đồng.
 
Ngoài ra, trong đêm giao lưu còn nhiều bạn đọc đóng góp qua điện thoại mà chúng tôi chưa thống kê được. Chương trình “Kỷ vật những người đi B” chân thành cảm ơn sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên. Bạn đọc có thể đóng góp qua số điện thoại: 08.8249264, 08.8249263.

Tin cùng chuyên mục