Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin TPHCM. Ông là bộ đội giải phóng quân với 44 tuổi Đảng, 44 tuổi quân, 11 lần bị thương nhưng vẫn trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh trên các chiến trường Tây Nguyên, đất thép Củ Chi, Đông Nam bộ, Trung Nam bộ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông nhớ nhất trận đánh từ hướng Nam vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Ông bồi hồi nhớ lại: tháng 3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bước vào giai đoạn quyết liệt. Tôi đang tập huấn ở Bộ Tham mưu Quân khu 8 (QK8). Trước tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, anh Ba Đào, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng QK8, đã chỉ đạo kết thúc lớp tập huấn trước thời gian để cán bộ trở về đơn vị theo yêu cầu của chiến trường.
Vào thời điểm này, tin chiến thắng từ các mặt trận dồn dập báo về. Nhất là tại mặt trận Tây Nguyên, tiếp đó là các mặt trận Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng... Tôi được Trung đoàn trưởng Hai Điệp giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1975. Theo đó, Trung đoàn 88 được giao nhiệm vụ đánh theo hướng từ Chợ Gạo tạt ngang sang hướng Nam Sài Gòn (địa bàn huyện Bình Chánh). Chúng tôi đánh dấu trên bản đồ những mục tiêu là các đồn bốt, chi khu, khúc sông phải vượt qua, nghiên cứu xong mục tiêu nào là tổ chức đánh ngay mục tiêu đó.
Nhiệm vụ mà trung đoàn trưởng giao cho đoàn công tác chúng tôi là nghiên cứu các mục tiêu và đề xuất cách đánh. Do có sự chuẩn bị của cấp trên nên chúng tôi triển khai nhiệm vụ khá thuận lợi, tới đâu cũng được các địa phương giúp đỡ. Đối với các đồn bót nhỏ, ta chưa đánh địch đã bỏ chạy, chỉ có Chi khu Tân Trụ là mục tiêu quan trọng ở phía Nam Sài Gòn thì địch phòng ngự khá chắc chắn.
Sau khi nghiên cứu xong căn cứ Chi khu Tân Trụ, tôi đề nghị sử dụng một tiểu đoàn bao vây Chi khu Tân Trụ, còn đại bộ phận trung đoàn vượt qua để kịp thời tiến về Sài Gòn. Đêm 13-4-1975, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thực hành tiến công Chi khu Tân Trụ, gần như toàn bộ sức mạnh của trung đoàn dồn vào trận này.
Trong lúc trung đoàn tập trung lực lượng đánh Chi khu Tân Trụ, chúng tôi xác định mục tiêu cần đánh tiếp là cầu Ông Thìn để tiến quân sang địa bàn Bình Chánh, mở đường vào Sài Gòn từ hướng Nam. Chiếm được cầu Ông Thìn thì mục tiêu đánh tiếp là cầu Chữ Y và Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Chính ủy trung đoàn và quân khu quyết định bỏ qua mục tiêu Chi khu Tân Trụ, thực hiện kế hoạch tiến quân vào Sài Gòn vì chiến thắng đã gần kề.
Ngày 20-4-1975, trung đoàn tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn và đến Nam cầu Ông Thìn, một vị trí giáp ranh giữa huyện Cần Giuộc tỉnh Long An với huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Đây là mục tiêu khá rắn và cũng là mục tiêu cuối cùng mà Trung đoàn 88 phải giải quyết dứt điểm trước khi tiến vào Sài Gòn. Địch bố trí đồn bót ở hai đầu cầu, biết quân ta bao vây, chúng chống trả quyết liệt. Trung đoàn trưởng Bùi Quang Đơ ra lệnh cho tôi sử dụng Tiểu đoàn 3 đánh tiêu diệt đồn cầu Ông Thìn.
Tôi báo cáo cấp trên chỉ nên làm công tác địch vận để bức rút đồn vì đồn nằm chung với khu chợ, nếu quân ta đánh mạnh sẽ gây thương vong cho dân. Trung đoàn trưởng nghe tôi trình bày xong, ra lệnh di chuyển đơn vị đến vị trí mới thuộc huyện Bình Chánh, trực thuộc đội hình Bộ Tư lệnh Binh đoàn 232 để đánh địch trên quốc lộ 50. Tiểu đoàn 3 bao vây đồn cầu Ông Thìn nhưng địch chống cự quyết liệt, các đoàn binh vận và nhân dân đến vận động binh sĩ địch thì chúng ngoan cố xả súng bắn vào đoàn biểu tình khiến một số đồng bào hy sinh. Giờ phút chiến thắng gần kề mà máu của đồng bào vẫn đổ… Không nản chí, bộ đội tiếp tục siết chặt vòng vây nã đạn vào đồn địch. Do bộ đội ta trong thế chủ động tấn công nên địch ngày càng đuối sức và bế tắc.
Đêm 29 rạng sáng 30-4-1975, trước khí thế tổng tấn công thần tốc của ta, địch buộc phải tháo chạy khỏi đồn cầu Ông Thìn. Tiểu đoàn 3 nhanh chóng vào tiếp quản rồi cùng trung đoàn tiến về Sài Gòn theo quốc lộ 50.
Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, qua làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyến bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện. Đúng thời điểm trên, Trung đoàn 88 nhận lệnh tấn công đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát ngụy. Tôi cùng bộ phận đốc chiến đến căn cứ Tổng nha Cảnh sát, rồi được lệnh hành quân tiếp về Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. 18 giờ tối 30-4-1975, trung đoàn tiến đến khu vực Cảng Sài Gòn, rồi đến khu vực cầu Tân Thuận đánh chiếm Kho quân vụ số 18 và Kho xăng Nhà Bè. 22 giờ ngày 30-4-1975, Tiểu đoàn 2 chiếm Kho quân vụ số 18; Tiểu đoàn 1 chiếm khu vực Tân Quy, nơi có trường huấn luyện của địch; Tiểu đoàn 3 chiếm khu vực Kho xăng Nhà Bè. Cuộc chiến đấu cuối cùng của tôi kết thúc trong niềm vui vô bờ của cả dân tộc, góp phần khép lại cuộc chiến kéo dài 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
| |
Minh Ngọc ghi