Với mức hỗ trợ 75% tiền lương, mỗi nhân viên của The Projector đều nhận được 4.600 SGD (3.452 USD) để trang trải cuộc sống. Ông Somosundram chia sẻ: “Đối với tôi, sự hỗ trợ này là quan trọng. Nếu không, tôi phải chấp nhận để rạp phim ngừng hoạt động”.
The Projector không phải là doanh nghiệp duy nhất được hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ việc làm. Chương trình đã giúp sức cho mọi người dân Singapore và công dân thường trú tại quốc gia này trong thời đại dịch bùng phát. Số tiền trợ cấp từ chương trình được xác định dựa trên ngành nghề và mức chịu tác động do dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính Singapore, ban đầu chương trình chỉ đưa ra mức hỗ trợ 8% tiền lương trong quãng thời gian 3 tháng. Khi diễn biến dịch tồi tệ hơn, mức trợ cấp tăng lên 25%-75% lương của lao động trong mọi lĩnh vực.
Sau đó, tuy chính sách nới lỏng phong tỏa được áp dụng nhưng mức trợ cấp này vẫn được duy trì. Ngoài ra, Bộ Nhân lực Singapore còn phát thông báo nhắc nhở trong thời gian giãn cách xã hội, những doanh nghiệp nào không trả lương cho nhân viên hoặc có ý định cho nhân viên nghỉ việc có thể sẽ không nhận được khoản hỗ trợ trên, cũng như ưu đãi về giấy phép lao động. Các công ty buộc phải giữ chân người lao động để nhanh chóng nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi các biện pháp kiềm chế dịch được gỡ bỏ.
Không những nhận được phản hồi tích cực trong dư luận Singapore, Chương trình hỗ trợ việc làm còn được đánh giá cao trên thế giới, vì đây là mức trợ cấp “xa xỉ” mà hầu hết các quốc gia khác khó có thể triển khai. Ví dụ như Malaysia có mức hỗ trợ lương khoảng 600 ringgit (150 USD)/ tháng cho những người lao động có thu nhập dưới 4.000 ringgit. Tính đến tháng 10, Malaysia đã chi 12,5 tỷ ringgit, tương đương 3 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã chi 19 tỷ USD hỗ trợ 2,7 triệu người lao động và 330.000 nhà tuyển dụng. Chương trình hỗ trợ tiền lương của Singapore thậm chí còn vượt qua cả Hong Kong (Trung Quốc) vốn dành 81 tỷ HKD (10,4 tỷ USD) cho chương trình của đặc khu hành chính này. Lý giải về quy mô của chương trình hỗ trợ trên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Singapore có yếu tố thuận lợi vì diện tích nhỏ, vốn dự trữ lớn và sự nhìn xa trông rộng của chính phủ, khi thực hiện chương trình hỗ trợ khá sớm so với các quốc gia khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết, chính phủ vẫn duy trì hỗ trợ ngay cả khi tình hình kinh tế liên quan đến dịch Covid-19 được cải thiện. Lý do là ngay cả khi nền kinh tế dần hồi phục và một số ngành phát triển tốt thì những lĩnh vực khác vẫn chịu nhiều sức ép. Theo ông Heng Swee Keat, cùng với chương trình SkillsFuture Singapore (Chương trình kỹ năng tương lai của Singapore) và mô hình tiền lương lũy tiến, Singapore có một hệ sinh thái đủ mạnh để hỗ trợ những lao động có thu nhập thấp. Trong khi nhiều lao động trên thế giới phải đối mặt với tiền lương không tăng, thì người lao động có thu nhập thấp ở Singapore vẫn nhận được mức tăng lương thực tế, trung bình trên 4% hàng năm trong 5 năm qua.