Sau ánh đèn sân khấu - Bài 3: Sầu như cải lương

Có ai ngờ những vai tuồng trên sân khấu đôi khi vận vào chính cuộc đời người nghệ sĩ. Tràng pháo tay đi cùng với sự khắc nghiệt của nghiệp cầm ca, bởi “Thầy già, con hát trẻ”, quá tuổi 40 thì bức rèm sân khấu đã hẹp đi rất nhiều với nghệ sĩ.

Đào chính về hưu

Bước lên sân khấu cải lương từ thuở lên 5 tuổi, ba là nghệ sĩ trong đoàn, còn mẹ bán vé, ở thời điểm hoàng kim của sân khấu cải lương, đi tới đâu khán giả mộ điệu rầm rộ tới đó, nghệ sĩ Ngọc Hạnh (70 tuổi) cũng làm đào chính nhiều đoàn cải lương ở TPHCM. Sau đó, cô trụ hẳn với đoàn Tiền Giang II. Nhắc lại ngày tháng làm đào, làm kép, cô Hạnh kể: “Hồi xưa, cô làm đào chính chuyên hát vai mùi, giờ bây kêu cô khóc, cô cũng còn khóc được đó nha”. Đào mùi của đoàn Tiền Giang II có tiếng một thời, cô Ngọc Hạnh hát tới đâu thì khán giả rơi nước mắt tới đó. Nói về những ngày vàng son, cô Hạnh còn nguyên niềm tự hào với sân khấu cải lương: “Ngày xưa, nghệ sĩ hát thiệt tình lắm con, đâu có micro như bây giờ, nên hát thiệt bằng hơi mình không à. Tới giờ biểu diễn khán giả phía dưới im lặng, tập trung coi dữ lắm”.

 Sau ánh đèn sân khấu - Bài 3: Sầu như cải lương ảnh 1 Cô Ngọc Hạnh (70 tuổi, Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) chuẩn bị áo mão để ra sân khấu
Nghề hát kể ra lắm lúc nó bạc đến chạnh lòng, 40 tuổi thì coi như đã già, không còn làm đào chính nữa, cùng với sự ra đời nhiều loại hình sân khấu khác, các đoàn cải lương cứ lần lượt rã gánh. Đào, kép tứ tán khắp nơi, cô Hạnh bắt đầu học hát bội. “Cô hát bội là “ba rọi” thôi, chứ không phải dân chuyên, vì hồi xưa cô hát cải lương. Tới 40 tuổi chuyển qua hát bội, theo bà bầu Ngọc Khanh học hát, điệu bộ, tới nay 70 tuổi thì cũng có 30 năm hát bội rồi”, cô Hạnh kể. Vài năm gần đây, không ít những chương trình, tọa đàm, hoặc những buổi nói chuyện do các nhóm bạn trẻ tổ chức để tìm hiểu về sân khấu truyền thống, dân gian, nhằm mang lại sức sống mới cho cải lương, hát bội. Nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức khơi gợi, những cô đào, ông kép một thời như cô Hạnh chỉ còn là nỗi niềm đi cùng sự quá vãng của cải lương, hát bội một thời.
 Sau ánh đèn sân khấu - Bài 3: Sầu như cải lương ảnh 2  Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh cùng kỷ vật của con trai đã qua đời vì bạo bệnh 
Nói 30 năm đi hát, nhưng thật ra cũng chỉ 28 năm, 2 năm buồn chuyện gia đình, cô Hạnh tạm ngưng theo đoàn. Còn bây giờ, mỗi khi có chầu hát ở đâu, con trai út cô Hạnh lại đèo mẹ tới, cả hai mẹ con đều chỉ làm phần dàn bao (những vai nhỏ). Thù lao một suất hát của cô Hạnh cũng chỉ 500.000 đồng, nhưng nụ cười cứ đọng lại mãi sau mỗi chầu hát. “Ở nhà, cô bệnh hoài hà con, đi hát vầy mà vui lắm nha, chứ không mệt hay than thở gì đâu. Nắng mưa gì cũng đi hết. Có lần hát ở Bình Dương xong thì để nguyên mặt mày phấn son, hai mẹ con chạy xuống Long Điền để kịp giờ xây chầu. Nghĩ lại những lúc như vậy thấy vui lắm, chạy xe đường xa có cực, nhưng bù lại có chầu hát là trong bụng mừng thầm. Vì đi hát tới nơi gặp anh chị em nói chuyện, hỏi thăm nhau, mừng lắm”, cô Hạnh kể.


Đêm đó, võ ca trong đình Thắng Tam (TP Vũng Tàu) nghệ sĩ hát bội tuồng mới, sau bức rèm nhung sân khấu, cô Hạnh tranh thủ thêu áo bà ngũ hành. “Đây mới là nồi cơm sinh kế mỗi ngày nè con, nghề hát bây giờ chỉ theo mùa Kỳ Yên hay cúng cuối năm, ngày thường phải bươn chải nghề khác đặng kiếm cơm, kiếm cháo”, cô Hạnh vừa kể vừa chăm chút từng đường kim. Tôi hỏi: “Ngẫm nghĩ có lúc nào buồn không cô, mình cũng một thời làm đào chính có thua ai?”. Cô Hạnh vừa thêu vừa cười: “Buồn sao được mà buồn, theo nghề hát là mình đã biết cái nghề của mình nó vậy. Nhìn lại cũng còn được hát chầu mỗi dịp Kỳ Yên là vui lắm rồi. Cái nghiệp đã mang thì được hát là vui, có chỗ hát cúng, trưởng đoàn lo chuyện đi lại và ăn uống cho anh em thôi, chứ đâu có thù lao gì thêm, vậy mà vẫn vui”.

Gian nan sau những vinh hoa

Bức rèm nhung khép lại, cuộc đời chỉ còn những nỗi đoạn trường xót xa với câu chuyện mưu sinh, “người ta chê cô già nên hông chịu làm móng tay, móng chân chỗ cô con ơi”, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh (66 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) thở dài.

7 tuổi đã biết hát, 18 tuổi làm đào chính, lấy chồng sinh con chuyển sang làm bầu gánh, nhưng đến năm 51 tuổi thì nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh đành giã từ cái nghiệp cải lương, giải nghệ và phải học làm móng tay, móng chân. Không chỉ có duyên với sân khấu, lúc làm bầu, gánh hát của vợ chồng cô Hạnh cũng ăn khách có tiếng ở thời điểm đó. “Vợ chồng cô lập gánh làm bầu ăn khách dữ lắm con ơi. Đêm nào hát khán giả cũng trùng trùng điệp điệp, còn mời cả Minh Vương - Lệ Thủy về hát nữa mà con”, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh kể lại. Những vai mùi, vai bi trên sân khấu có ai ngờ lại vận chính vào cuộc đời người nghệ sĩ, chồng theo vợ bé, bao nhiều tiền dành dụm cũng tiêu tan, gánh hát của vợ chồng cô Hạnh cũng rã. Cô dắt con, theo các đoàn hát khác, kiếm sống qua ngày. Nhưng nỗi đoạn trường chưa dừng ở đó, con trai duy nhất của cô Hạnh cũng qua đời sau cơn bạo bệnh. 

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh sinh năm 1955, năm 17 tuổi, cô được vợ chồng Út Bạch Lan - Thành Được mời về hát. Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh kể, cô từng diễn chung với NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương. Trong thập niên 1970, 1980, Hoa Mỹ Hạnh được NSƯT Thanh Nga nhận làm học trò, chỉ dạy thêm cho bà về diễn xuất và cũng là học trò ruột của ông bầu kiêm nghệ sĩ Hoa Phượng và được ông đặt nghệ danh Hoa Mỹ Hạnh. Vinh hoa là vậy, nhưng tuổi xế chiều, nghệ sĩ Mỹ Hạnh ở ghép một phòng trọ trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) làm móng tay, móng chân, hay ai thuê lau nhà, giúp việc theo giờ cô cũng làm để kiếm tiền trang trải và đóng tiền nhà trọ. Có lẽ ít ai nghĩ, đó là cảnh đời sau bức rèm nhung khi về hưu của một cô đào cũng tài danh một thuở. 

“Có lúc nào, tự nhiên lại nhớ sân khấu không cô?”, tôi hỏi. “Nhớ sân khấu lắm chứ, nghe đâu đó một câu vọng cổ là nhớ lắm, nhưng bây giờ có cho lên sân khấu thì chắc cô cũng hát không nổi nữa đâu. Tuổi già năm, bảy thứ bệnh, mà cô bệnh tim nữa thì chắc hát chừng nửa câu là xỉu rồi”, cô Mỹ Hạnh nói. Nhắc về sân khấu, sau tiếng thở dài, cô Hạnh lại tự hào: “Hồi xưa đi hát vui lắm con ơi. Nghệ sĩ thì phải theo gánh, rày đây mai đó nhưng mà vui lắm. Bây giờ, dù không còn được làm đào làm kép nữa nhưng cô không có tủi phận gì đâu. Vì theo cái nghiệp làm đào cải lương thì ai cũng hiểu, tuổi nghề ngắn lắm, sân khấu thịnh rồi suy cũng là chuyện thường tình ở đời mà”.

Và cô đào một thời, lại phải kiếm từng đồng để mưu sinh. “Ráng làm kiếm tiền đóng tiền nhà, mua gạo, còn ăn uống thì dễ lắm con ơi. Cô Hạnh ăn tương, ăn mắm gì cũng được”, cô Mỹ Hạnh tâm sự. Trong lần liên lạc gần nhất, tôi trò chuyện qua điện thoại với cô, cô kể mình mới gặp tai nạn, sau khi nằm bệnh viện về, cô lên tận Bình Dương để bó thuốc vì cái chân còn mỏi nhiều quá. “Bây giờ, còn chút sức thì ráng làm móng tay hay lau nhà, sau này già nữa tính sao cô ơi?”. Giọng cô nghèn ngẹn rồi lại thở dài: “Cô tính già quá mà làm không nổi thì cô xin vô viện dưỡng lão nghệ sĩ ở, chứ biết sao nữa con ơi. Người ta già còn con cái để trông cậy, cô thui thủi có một mình, thì vào viện dưỡng lão là xong”.

Sân khấu mang đến cho người nghệ sĩ sự lộng lẫy, tán dương của khán giả, nhưng sau bức rèm nhung, chuyện cuộc đời ai cũng phải ngược xuôi. Cô Ngọc Hạnh dẫu chẳng còn làm đào chính, nhưng theo đoàn hát bội làm dàn bao cũng cười tươi; hay cô Mỹ Hạnh nhớ về sân khấu chỉ luôn là những tháng ngày “vui lắm!”… Có lẽ với họ, những con người mang nghiệp sân khấu thì cuộc đời ôm trọn vinh hoa lẫn đoạn trường cũng là lẽ đương nhiên.

Kể về những người bạn diễn, những người một thời làm đào chính, kép độc ở các đoàn cải lương lúc thịnh hành, cô Mỹ Hạnh chia sẻ: “Nghệ sĩ thời đó, bây giờ cũng vất vả lắm con ơi. Có người, con cái họ cũng theo nghề hát mà đi hát dạo, hát bán kẹo kéo, cũng khó khăn nên đâu có đỡ đần được gì nhiều”. Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM, nơi mà cô Mỹ Hạnh nhắc tới, hiện là “mái ấm” của hơn 20 nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu phía Nam. Ở đây, mỗi một mảnh đời nghệ sĩ là một câu chuyện, một số phận khác nhau.

Tin cùng chuyên mục