Sáng 23-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, TPHCM sơ kết 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiết kiệm 410 tỷ đồng từ chi thường xuyên, mua sắm
Bằng nhiều biện pháp khẩn trương, quyết liệt, UBND TP đã giao nhiệm vụ, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện, đến nay đã thu được một số thành quả. “Đặc biệt là các cấp các ngành đã quán triệt triệt để Nghị quyết 11 với tinh thần trách nhiệm cao, các phong trào tiết kiệm, tương trợ nhau trong lúc khó khăn đã quy tụ được sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể nhân dân” - đồng chí Lê Hoàng Quân nhận định.
Đặc biệt, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết: Theo tính toán, từ tháng 4 đến cuối tháng 12-2011, TPHCM tiết kiệm được khoảng 410 tỷ đồng từ công tác chi thường xuyên và mua sắm thiết bị, xe hơi (đã ghi trong dự toán mua sắm năm 2011).
“Công tác đảm bảo an sinh xã hội được TP thực hiện tốt. Câu chuyện về nhân dân tương trợ, cùng chia sẻ khó khăn với tình hình chung tại quận Thủ Đức mang ý nghĩa xã hội, chính trị rất lớn”, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê nhìn nhận. Theo đó, phong trào này đã lan rộng khắp TP. Tính đến ngày 23-3, các quận - huyện trên địa bàn TP đã vận động được 18.808 chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, điều chỉnh giá điện, nước theo tỷ lệ của nhà nước với hơn 130.074 phòng trọ, góp phần giúp 399.821 người lao động nghèo, công nhân, sinh viên.
Ngoài ra, TP đã có kế hoạch trợ cấp cho 6.901 nhân khẩu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Song song đó, theo ngành LĐTB-XH, tất cả 36.789 hộ nghèo của TP thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm được cấp bù giá điện với mức 30.000 đồng/hộ/tháng. Hiện nay, Sở LĐTB-XH TP đang phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP triển khai vấn đề này. Trợ cấp khó khăn đột xuất cho diện chính sách, có công, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có hệ số lương từ 3.00 trở xuống cho 80.659 người. Tổng kinh phí trợ cấp khoảng 176,25 tỷ đồng cho các nội dung trên.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
* Ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, cho biết: Sau hơn 3 tuần triển khai Nghị quyết 11, thị trường tiền tệ được kiểm soát chặt chẽ. Tính từ đầu năm 2011 đến thời điểm này, các đơn vị chức năng đã kiểm tra 37 đơn vị, xử phạt 12 tổ chức cá nhân. Chỉ riêng từ đầu tháng 3 đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt 3 vụ vi phạm về mua bán ngoại tệ trái phép với tổng số tiền phạt hơn 172 triệu đồng. |
Về thị trường tiền tệ, giá USD tự do đã lắng dịu, không còn hoạt động công khai, rút ngắn khoảng cách chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do với hệ thống ngân hàng từ 1.000 đồng/USD xuống còn 300-500 đồng/USD. Tình hình kinh doanh vàng miếng của các doanh nghiệp (DN) lớn đã giảm 30%-50%. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở đẩy mạnh mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn nên đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế đến 1,5 triệu đồng/lượng.
Về lãi suất, dù ít biến động nhưng trên thực tế, các ngân hàng sử dụng kỹ thuật hạch toán để lách quy định dẫn đến lãi suất huy động lên đến 16%/năm và lãi vay ở mức cao đến 18%-20%/năm. Đã vậy, nhiều DN còn gặp phải vấn đề là bán USD cho ngân hàng thì bán theo giá niêm yết, nhưng khi cần thanh toán thì ngân hàng không có USD để bán mà giới thiệu DN mua lại USD của DN khác với giá thỏa thuận. Do vậy, việc giải quyết các khó khăn cho DN là vấn đề bức bách hiện nay.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu: “Tháo gỡ khó khăn cho DN, không thể chờ được nữa! Ngay trong tuần sau, phải họp với Ngân hàng Nhà nước giải quyết ngay vấn đề về vốn cho DN. Muốn tăng trưởng thì phải tập trung đẩy mạnh sản xuất”. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tháng đầu năm, vốn huy động ở các ngân hàng tăng không cao, trong khi dư nợ tín dụng ở các ngân hàng tăng đến 30%, giờ theo Nghị quyết 11 phải điều chỉnh giảm xuống còn 20% nên việc cho vay là rất khó. Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành cũng đưa ra nhiều kiến nghị, tuy nhiên đồng chí Lê Hoàng Quân “cắt” ngay và yêu cầu các sở ngành phải cùng bàn chuyện “gỡ” thế nào để phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng đã “gỡ” nguồn vốn cho DN bằng cách yêu cầu các ngân hàng phải nắm lại cơ cấu tín dụng để điều chỉnh, “lái” nguồn vốn cho đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Bên cạnh đó, TP có một số giải pháp là đẩy mạnh hỗ trợ lãi vay thông qua chương trình kích cầu cho DN đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, sản xuất hàng nội chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu; hỗ trợ DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, kịp thời đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về vốn, lãi suất, ngoại tệ thanh toán nhập khẩu vật tư cần thiết cho DN…
Vân Anh - Hàn Ni