Con hẻm 1378 đường Võ Văn Kiệt (phường 1 quận 6 TPHCM) từng một thời “nổi tiếng trong chốn giang hồ” với biệt danh “hẻm cua xe lửa”. Có tên như vậy do thời Pháp thuộc nơi đây có một tuyến đường tàu hỏa vòng qua; dân nghèo tứ xứ tụ về đây mưu sinh quanh bến Lê Quang Liêm (sau năm 1975 đổi tên thành bến Trần Văn Kiểu) và Chợ Lớn (chợ Bình Tây ngày nay), đã chiếm đất hai bên đường ray để dựng nhà. Cả hơn chục năm sau ngày giải phóng, con hẻm này vẫn là tụ điểm tệ nạn xã hội, nhiều thanh thiếu niên sa vào nghiện ngập ma túy, nhiễm HIV; nạn đánh nhau, trộm cắp, cướp giật xảy ra như cơm bữa.
Anh Đỗ Văn Hòa cũng là một cư dân trong hẻm (nhà số 39). Năm 1985, khi 19 tuổi, đang làm công cho một vựa ve chai và cũng bắt đầu quậy phá cùng bạn bè trong xóm, cuộc đời anh đã may mắn rẽ ngoặt khi nhận lệnh nhập ngũ. Sau 3 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị thương, thành thương binh 3/4, Đỗ Văn Hòa phục viên và trở thành một con người khác. Quân đội đã huấn luyện cho anh tính can đảm, sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn về những giá trị sống. Tuy nhiên, khi thương tật chưa lành, anh phải ở nhà dưỡng bệnh hơn một năm và cũng lúng túng chưa biết sẽ chọn nghề nào để mưu sinh. Rồi một hôm, cán bộ phường tìm đến nhà, hướng dẫn anh làm hồ sơ vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhờ số tiền này, anh mua được một chiếc xe Wave cũ và hành nghề chạy xe ôm tại đầu hẻm, gần góc đường Gia Phú - Chu Văn An.
Do luôn để mắt quan sát người đi đường để nhận ra, mời chào khách đi xe ôm, anh Hòa cũng dễ dàng phát hiện những đối tượng khả nghi, bất hảo. Nhờ vậy, ngay khi chúng vừa ra tay gây án là anh Hòa có thể “phản ứng nhanh”, lập tức tham gia truy bắt.
Từ vụ đầu tiên bắt tên cướp giật giỏ xách của người đi đường vào năm 2006, đến nay anh và các đồng nghiệp trong nhóm xe ôm tự quản của phường 1 đã bắt giữ hàng chục tên trộm, cướp, ma túy… khi chúng có hành vi phạm pháp trên địa bàn phường. Anh Hòa không thể nhớ hết được số đối tượng hình sự mà mình đã bắt giữ, nhưng bà con thì bảo là nhiều lắm và nhiều người còn gọi anh là “SBC khu phố”.
Còn tại “hẻm cua xe lửa”, nơi anh Hòa sống và làm tổ trưởng tổ dân phố 10, bà con người Hoa đều gọi anh là “ông tổ trưởng”. Trong các câu chuyện kể về những đổi thay của hẻm, ba chữ “ông tổ trưởng” luôn được người dân nhắc đến. Nào là: “Nhờ có ông tổ trưởng theo sát nhắc nhở, hỗ trợ đưa đi cai nghiện nên cái xóm này, từ hơn 20 đứa bị nghiện ma túy, nhiễm HIV, đến nay không còn gia đình nào có con em nghiện cả”. Hoặc: “Trước đây, hẻm này không có điện, không có nước, phải câu nhờ mấy nhà ở mặt tiền đường Gia Phú để xài. Đến năm 1992, nhờ ông tổ trưởng tích cực liên hệ với UBND phường và bên điện, nước, nên cả hẻm mới được như vầy”.
Rồi đến những chuyện lớn hơn nữa: “Nhà ở đây toàn là lấn chiếm đất tự xây, đâu có giấy tờ gì. Khi biết Nhà nước có chủ trương cho hợp thức hóa, cấp giấy chủ quyền, ông tổ trưởng đã về thông báo đến từng nhà. Ổng hướng dẫn cách làm hồ sơ, thậm chí nhà nào không có người biết chữ, ổng còn viết tờ khai giùm. Nhà nào cần thì ổng chở đến mấy cơ quan để sao lục giấy tờ, rồi dứt khoát chỉ lấy tiền xe ôm thôi chứ không nhận quà cáp chi cả. Bây giờ, toàn bộ hẻm gần trăm căn nhà đều đã có giấy chủ quyền”.
Từ những đóng góp tích cực cho công tác địa phương, năm 2009 anh Đỗ Văn Hòa được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Giờ đây, anh đảm nhiệm một lúc “3 vai”: Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường 1, Trưởng ban Điều hành khu phố 1 và Tổ trưởng Tổ dân phố 10. Tuy vẫn còn phải bươn chải chạy xe ôm cho những mối quen nhưng anh Hòa luôn chu toàn các nhiệm vụ. Và “chuyện thường ngày ở hẻm 1378” là bất kỳ khi nào, hễ có việc liên quan chuyện dân sinh, người dân đều tìm đến “ông tổ trưởng”.
HOÀNG TRỌNG KHÔI